Tin địa phương

Lựa chọn nào trong giải quyết ùn tắc giao thông tại phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý

Trong những năm gần đây tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và nhu cầu đi lại. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, Đà Nẵng cũng đã xây dựng một số nút giao thông, tổ chức lại giao thông nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, tại nút giao thông phía Tây cầu Rồng, phía Tây cầu Trần Thị Lý dù đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề ùn tắc hiện nay.

Hiện trạng giao thông tại nút giao thông phía Tây cầu Rồng.

Trong khi đó theo quy hoạch thì về hạ tầng giao thông hầu như không xây dựng mới đường đô thị trong khu vực trung tâm. Các nút giao khác mức chỉ đạt 4/47 nút, giao thông tĩnh đạt 2,6% nhu cầu đậu đỗ.

Dân số tăng nhanh so với kịch bản quy hoạch, phương tiện cá nhân tăng trung bình hơn 10%/năm, giao thông công cộng thì đạt chỉ 14/20 tuyến xe buýt, thu hút được khoảng 2% nhu cầu đi lại. Một số tuyến đường bị ùn tắc, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và sự phát triển của thành phố.

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, ngày 05/5, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo về giải pháp thiết kế tổ chức giao thông nút giao phía Tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Hội thảo với mục đích lắng nghe những ý kiến, những nghiên cứu đề xuất từ các chuyên gia cầu đường, các đơn vị tư vấn để tìm ra phương án tối ưu nhất trong giải quyết ùn tắc giao thông tại những vị trí này, xây dựng hầm chui hay cầu vượt.

Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cho biết: Hiện tại các nút giao này thường xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Chiều dài hàng chờ các hướng chuyển động từ đường Nguyễn Văn Linh và hướng Trần Phú vào nút có xu hướng kéo dài, nhiều khi phải chờ đến 1 – 2 chu kỳ đèn mới thông qua được nút.

Tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe như hiện nay tăng khoảng 14.5%/năm, tình trạng ùn tắc giao thông trong nút sẽ diễn ra thường xuyên trong 1 - 2 năm tới.

Vì vậy việc nghiên cứu đề xuất xây dựng các nút giao thông khác mức phía Tây cầu Rồng, Trần Thị Lý nhằm nâng cao năng lực của mạng lưới, hỗ trợ cho việc triển khai dự án mở rộng sân bay Đà Nẵng đồng thời với việc thực hiện các giải pháp tổng thể khác nhằm hạn chế sự tăng trưởng phương tiện cá nhân là cần thiết.

Hiện trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý hiện nay.

Đối với việc cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Rồng đã có 3 phương án đề xuất. Phương án xây dựng 1 hầm cộng nút tín hiệu giao thông và phương án xây dựng 2 hầm đơn riêng biệt, phương án giao khác mức bằng hầm chui. Hiện nay phương án giao khác mức bằng hầm chui tại nút được xem là phù hợp nhất.

Quan điểm thiết kế ở nút này phải hạn chế đến mức tối đa thay đổi cảnh quan khu vực, đặc biệt là khu vực Cổ Viện Chàm và cầu Rồng. Đảm bảo tổ chức giao thông cho cả cụm nút giao, hạn chế phân tán lưu lượng giao thông qua các nút lân cận, hình thành các điểm xung đột ùn tắc mới.

Hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng, thu hẹp dòng chảy của sông Hàn, các ảnh hưởng chấn động đến công trình Cổ Viện Chàm trong quá trình thi công và khai thác, đồng thời phù hợp với hiện trạng quy hoạch khu vực, đặc biệt đảm bảo tích hợp tốt với quy hoạch hệ thống giao thông công cộng.

Đơn vị tư vấn kiến nghị chọn 2 hầm đơn gồm 1 hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2/9 (dài 120m) và 1 hầm nối liền Bạch Đằng nối dài - đường 2/9 đến Bạch Đằng (dài 120m).

Chiều dài đoạn hầm hở mỗi bên từ 110 - 135m; bề rộng mỗi hầm 8m. Đóng dải phân cách và xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao. Kinh phí xây dựng thep phương án này dự kiến 350 tỷ đồng

Đối với nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý, hiện tại nút đã đạt ngưỡng phải cải tạo. Trên thực tế, nút giao này bắt đầu xảy ra hiện tượng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm chiều, đặc biệt là vào những ngày có tiệc cưới khi lượng xe dồn về nút tăng đột biến dẫn đến tình trạng ùn tắt giao thông lang rộng đến các nút lân cận như Tiểu La – 2/9, Núi Thành – Duy Tân.

Theo yêu cầu đặt ra, giải pháp để giải quyết phải đảm bảo tổ chức giao thông cho cả cụm nút giao, hạn chế phân tán lưu lượng giao thông qua các nút lân cận, hình thành các điểm xung đột ùn tắc mới.

Kết hợp với việc tổ chức phân luồng giao thông trong khu vực, đặc biệt là khu hội nghị tiệc cưới. Hạn chế tối đa lưu lượng giao thông tập trung về nút Duy Tân – 2/9 dễ gây kẹt xe khu vực nút giao.

Hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời phù hợp với hiện trạng quy hoạch khu vực, đặc biệt ưu tiên cho trục giao thông kết nối trực tiếp với sân bay Đà Nẵng, dự báo là phát sinh lưu lượng lớn trong tương lai gần.

Hiện nay tại nút giao này các đơn vị đưa ra 02 phương án. Đó là xây dựng nút giao khác mức 02 tầng, trong đó 01 hầm kết hợp đèn điều khiển và xây dựng mới đường phía sau khu hội nghị tiệc cưới. Xây dựng nút giao khác mức 03 tầng trong đó 01 hầm, đảo xuyến, cầu vượt kết hợp xây dựng mới đường phía sau khu hội nghị tiệc cưới.

Phía đơn vị tư vấn kiến nghị chọn phương án tổ chức nút giao khác mức 3 tầng gồm: Hầm chui bắt đầu từ Bộ Chỉ huy QK5 chui qua nút Núi Thành kéo dài qua 2/9 và tiếp tục chui dưới nút đường Bạch Đằng nối dài, kết thúc cách đầu cầu Trần Thị Lý 175m. Cầu vượt thép thiết kế theo hướng trục đường 2/9. Phương án này có kinh phí dự kiến khoảng 520 tỷ đồng.

Trên cơ sở những phương án đã được đề xuất, PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu Trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng cho rằng: Việc đầu tư hai hầm tách biệt tại nút giao Tây cầu Rồng cũng cần phải có phương án phân luồng từ xa để tránh xung đột chứ không phải chỉ giải quyết ngay tại trục chính. Đối với nút giao cầu Trần Thị Lý làm nút giao thông khác mức 3 tầng là hợp lý nhưng cũng cần xem lại là làm ngay hay phân kỳ đầu tư.

Ông Đặng Hoàng Hiệp - Trung tâm tư vấn quốc tế Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đề xuất: Phương án hai hầm chui tại nút giao thông Tây cầu Rồng sẽ giải quyết được hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông của Đà Nẵng.

TEDI cũng đề xuất cần có phương án cụ thể để các phương tiện lưu thông một cách thuận lợi nhất như rút ngắn độ dài hầm để giảm chi phí đầu tư và khi các phương tiện rẽ trái đi lại cũng thuận lợi hơn.

Về cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý cần xem xét phân kỳ đầu tư. Giai đoạn một làm hầm, giai đoạn 2 mới xem xét làm cầu.

Việc đầu tư hầm rất cần thiết vì lưu lượng giao thông từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến đường Duy Tân trong thời gian đến sẽ rất lớn. Còn việc xây dựng cầu vượt thì cần xem xét lại việc ảnh hưởng đến cảnh quan.

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP