Thời gian miễn visa cho 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2016. Trước đó, Tổng cục Du lịch cho biết Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ đề xuất gia hạn thời gian miễn visa (thị thực) từ một lên 5 năm và thời hạn lưu trú từ 15 lên 30 ngày cho công dân các nước này. Tuy nhiên chỉ còn vài ngày nữa mà thông tin có hay không gia hạn vẫn chưa được công bố khiến nhiều công ty lữ hành bị ảnh hưởng.
Giảm uy tín
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist cho biết lượng khách Tây Âu của công ty trong thời gian qua tăng trưởng khoảng 18%, một phần trong đó là hiệu quả từ chính sách miễn thị thực áp dụng từ 1/7/2015. Dù rất tin tưởng việc gia hạn sẽ thành công nhưng đến nay ông "vẫn chưa dám thông báo với đối tác vì mọi chuyện chưa ngã ngũ".
Nếu ngừng miễn visa, ông Kế cho biết việc bù lỗ vài chục USD tiền lệ phí visa cho 1-2 đoàn sắp tới chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề là không biết phải trả lời sao với đối tác khi đang miễn lại dừng.
"Khi được miễn thị thực, khách không chỉ không tốn 25-40 USD mà còn đỡ mất công đi lại, làm thủ tục. Đó là vấn đề tâm lý và họ cảm thấy họ được mời, được tôn trọng. Việc dừng miễn visa có thể khiến họ cảm thấy bị hẫng hụt hoặc giảm nhiệt tình", ông Kế lý giải.
Mùa cao điểm của các tour đón khách nước ngoài vào Việt Nam (inbound) bắt đầu từ tháng 9, nên các công ty lữ hành đã phải lên kế hoạch cho mùa du lịch cũng như tính toán giá cả trước đó nhiều tháng. Mất phí visa buộc lữ hành phải tăng tiền tour hoặc điều chỉnh chương trình, khách sạn để giữ giá, điều này khiến du lịch Việt kém cạnh tranh so với các nước khác, ông Kế nói thêm.
Sau 11 tháng thực hiện chính sách miễn thị thực, khách từ 5 nước Tây Âu tăng 15% so với cùng kỳ. Ảnh: Giang Huy
Hơn nữa, công tác quảng bá, xúc tiến cũng cũng cần được thực hiện trước tại các kỳ hội chợ quốc tế lớn tổ chức vào tháng 11 và tháng 3. Do vậy, đến nay thông tin về việc tiếp tục miễn visa hay không được đánh giá là quá muộn để các công ty lữ hành chủ động trong việc chào tour.
Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc công ty Vietnam Travelmart, cho biết lượng khách từ các nước Tây Âu của công ty tăng nhẹ khoảng 5% trong năm qua. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả khai thác khó có thể thực hiện được trong ngắn hạn do nhóm khách này có thời gian đặt tour dài và cũng phụ thuộc vào việc triển khai các hoạt động quảng bá truyền thông, vì vậy nhất thiết cần gia hạn thêm thời gian.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, cũng cho rằng ảnh hưởng về kinh tế và uy tín từ việc dừng miễn visa cho các khách Tây Âu là điều không thể tránh khỏi với các công ty du lịch. Bởi vậy, thời gian qua, rất nhiều công ty lữ hành nóng lòng chờ đợi thông tin chính thức của việc có hay không tiếp tục gia hạn miễn visa để trả lời khách và làm chương trình, đặt tour.
Thay đổi hình ảnh du lịch Việt
Không ít công ty du lịch còn hy vọng sự thay đổi về thời hạn lưu trú lên 30 ngày của chính sách visa mới. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc công ty du lịch Hanspan cho biết việc miễn visa trong năm qua đã giúp ích cho nhiều công ty làm inbound nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
"Khách công ty phần nhiều đến từ Đức, Pháp và họ thường kết hợp du lịch Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan trong vòng 17-21 ngày. Sau khi bay đến Việt Nam, khám phá các nước láng giềng, họ có thói quen quay lại nước ta du lịch biển và trở về. Việc miễn visa vô hình chung khiến họ lựa chọn nghỉ biển tại Campuchia hoặc Thái Lan, chứ không quay lại Việt Nam vì mất phí visa", ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, việc miễn visa với thời gian lưu trú 15 ngày thậm chí còn làm thay đổi hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài, vì họ có thể hiểu nhầm rằng "du lịch Việt Nam chỉ cần hai tuần là đủ", và nhiều chương trình tour phải cắt giảm số ngày trong lịch trình.
Một số công ty du lịch cho rằng nếu chưa thể miễn visa thì đơn giản thủ tục cấp là điều cần thiết để thu hút khách quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Bởi vậy, e-visa (thị thực điện tử) hay visa on arrival (cấp tại cửa khẩu) nếu có thể áp dụng sớm sẽ tạo động lực cho du lịch phát triển.
Tác giả bài viết: Vy An