Kinh tế

Loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu

CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố thông tin về việc bán giải chấp chứng khoán đối với ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR). Số lượng cổ phiếu PDR dự kiến bán giải chấp là 750.000 đơn vị với thời gian thực hiện từ ngày 7/11.

Không ít lãnh đạo các doanh nghiệp bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu trong thời gian qua. Ảnh minh họa


Cũng từ ngày 7/11, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự kiến sẽ bán giải chấp 2.131.548 cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, sàn HoSE); dự kiến giải chấp 1.474.031 cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường- Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con trai ông Tuấn và bán giải chấp 1.445.195 cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời là con gái ông Tuấn.

Trước đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng bị bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG từ ngày 4/11 và hơn 3,04 triệu cổ phiếu vào phiên 27 và 28/10.

Trong ngày 28/10, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư LDG (HoSE - LDG) Nguyễn Khánh Hưng cũng bị bán giải chấp 713.000 cổ phiếu LDG, qua đó giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 28/10.

Hầu hết các cổ phiếu bị bán giải chấp nêu trên đều có mức sụt giảm mạnh so với thị trường và so với các cổ phiếu trong nhóm bất động sản trong hai tháng gần đây.

Thị trường chứng khoán khắc nghiệt làm nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng từng "đình đám" trên sàn rơi sâu từ đỉnh, thậm chí nằm sàn la liệt.

Thống kê cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, hiệu suất của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản giảm 13,84%, giảm mạnh hơn so với mức sụt giảm của Vn-Index là 9,20% và chỉ đứng sau nhóm năng lượng, công nghiệp và vật liệu.

Việc cổ phiếu giảm sâu kéo dài khiến không ít lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu trong thời gian qua.

Vậy bán giải chấp cổ phiếu là gì?

Bán giải chấp cổ phiếu (Force sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Đây là đối tượng nhà đầu tư mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, cổ phiếu có được từ giao dịch này được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, còn gọi là giao dịch ký quỹ (vay margin).

Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán thường có thông báo tới khách hàng của mình biết trước 1-2 ngày. Nếu không muốn bị bán giải chấp, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ để đạt ngưỡng an toàn tối thiểu do công ty chứng khoán quy định.

Cổ phiếu bị bán giải chấp là tình huống không một nhà đầu tư nào mong muốn, khi tổng tài sản sụt giảm quá mức quản lý rủi ro của mình dẫn đến sự can thiệp của công ty chứng khoán. Bởi mỗi lần cổ phiếu bị bán giải chấp, nhà đầu tư bị thiệt hại rất nhiều.

Những năm gần đây, lãnh đạo doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán khá nhiều nhằm tận dụng cổ phiếu rẻ của doanh nghiệp mình. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư có sử dụng margin, không lường hết rủi ro khi thị trường giảm, dẫn đến mất tài khoản.

Nhiều chuyên gia tài chính chỉ rõ, tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam là không chấp nhận bán lỗ, luôn kỳ vọng hồi phục dẫn đến càng "ôm" càng lỗ, bị ép bán giải chấp.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin lúc thị trường giảm sâu. Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin khi đã có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp, không nên margin vào những cổ phiếu có tính đầu cơ, chỉ sử dụng margin khi thị trường có xu hướng tăng rõ ràng, nhưng ở mức độ vừa phải, tạo một biên độ an toàn cho tài khoản.

Bên cạnh đó, để cổ phiếu không bị bán giải chấp và sử dụng margin có hiệu quả, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ.

Tác giả: Bạch Hiền (t/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP