Du lịch

Lễ nghi trong đám cưới cổ truyền xứ Huế

Các bước lễ nghi, lễ vật, hình ảnh đám cưới của người dân xứ Huế thập niên 60-70 được phục dựng để giới thiệu đến công chúng.

Sáng 30/11, Bảo tàng Văn hóa Huế (Thừa Thiên Huế) đã tổ chức triển lãm với chuyên đề " Đám cưới cổ truyền Huế" nhằm giới thiệu giá trị đám cưới truyền thống trong dân gian xứ Huế đến với công chúng.

Các bước lễ nghi, lễ vật, hình ảnh đám cưới của người dân xứ Huế thập niên 60-70 đã được trưng bày nhằm giúp công chúng hiểu hơn về nét đẹp bình dị, đặc sắc trong phong tục cưới hỏi của người dân cố đô.

Là kinh đô của triều đại phong phong kiến cuối cùng Việt Nam, cưới hỏi ở xứ Huế mang một nét độc đáo riêng biệt không lẫn với vùng miền khác.

Theo phong tục cưới hỏi truyền thống xưa kia, đôi trai gái trở thành vợ chồng của nhau phải trải qua sáu lễ: Nạp thái (sơ vấn), Vấn danh (hỏi tuổi), Nạp cát (nói vợ), Nạp tệ (lễ hỏi), Thỉnh kỳ (xin ngày), Thân nghinh (xin cưới).

Lễ cưới có lễ xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, và đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai.

Với quan niệm "trọng lễ nghi khinh tài vật", lễ cưới ở Huế cầu kỳ hơn nơi khác ở phần lễ nhưng không chú trọng vật chất.

Lễ vật của nhà trai khi đến nhà gái trong đám cưới ở xứ Huế phải có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê, nem chả.

Bộ lễ vật gồm nến tơ hồng, rượu, trầu cau...

Cau lồng, rượu ché nằm trong số những lễ vật nhà trai mang đến nhà gái trong lễ cưới.

Cặp ché trưng bày có từ thời vua Khải Định, được một gia đình ở đường Huỳnh Thúc Kháng sử dụng và cho thuê dịch vụ đám cưới.

Đồng tiền âm dương, dây tơ hồng được sử dụng trong lễ bái tơ hồng.

Theo phong tục, người chủ hôn của họ nhà trai mặc áo rộng địa xanh, đội khăn đóng, dùng dao bửa quả cau làm đôi, lấy một lá trầu quệt vôi bỏ vào dĩa rồi dâng lên bàn thờ, châm đèn đót nhang vái lạy cảm ơn Nguyệt Lão đã xe duyên cho đôi trẻ, trong lúc làm lễ có đọc văn tế.

Người dân thích thú trước các hiện vật trưng bày tại triển lãm.

Áo dài sử dụng trong đám cưới của cố Họa sỹ Vĩnh Phối và bà Thạch Huệ vào năm 1969.

Chiếc giường tân hôn được bày một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi.

Theo phong tục của người Huế, đôi vợ chồng trẻ uống rượu giao bôi, phải nhai hết 12 miếng trầu, tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong một năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Việc ăn muối, ăn gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm.

Tác giả: Võ Thạnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP