Trước ngày 12-6 sẽ hoàn thiện hệ thống camera giám sát
Theo đó, các Công ty cổ phần Đường sắt Yên Lào, Vĩnh Phú, Hà Lạng, Hà Thái, Hài Hải, Hà Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Sài Gòn lắp đặt 1 camera bên trong gác chắn, 1 hệ thống phía ngoài nhà gác chắn (đơn giá không quá 3 triệu đồng/cái); hệ thống thiết bị giám sát tập trung giám sát hình ảnh camera được trang bị và lắp đặt tại cơ quan Công ty.
Bên cạnh đó, VNR yêu cầu các Công ty cổ phần Đường sắt trên làm việc với nhà cung cấp thiết bị để xây dựng hướng dẫn sử dụng, quy trình bảo trì hệ thống thiết bị theo quy định, thời gian hoàn thành lắp đặt trong tháng Sáu này và báo cáo về Tổng công ty.
Các Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt lập phương án lắp đặt hệ thống camera giám sát cho toàn bộ các đường ngang cảnh báo tự động chưa được lắp đặt và báo cáo Tổng Công ty Đường sắt để xem xét và chỉ đạo triển khai thực hiện, thời gian lắp xong trước ngày 12-6 tới đây.
Những đường ngang thiếu người gác và barie luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. |
Bên cạnh đó, VNR cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua việc quyết định dành 7.000 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương (2016-2020) để triển khai thực hiện bốn dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm bố trí kinh phí thực hiện các hạng mục, dự án ưu tiên nâng cấp, chuyển đổi đường ngang phòng vệ bằng biển báo lên thành phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để tiến tới xóa bỏ, giảm dần lối đi tự mở.
Kiểm tra đột xuất phát hiện nhân viên “ngủ gật” khi lên ban
Cũng thời gian này, Cục Đường sắt Việt Nam đã có cuộc kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.
Kết quả cho thấy hàng loạt những vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy định như nhân viên gác chắn, gác ghi đường sắt uống rượu, ngủ gật khi lên ban và vi phạm các quy định khác về kỷ luật lao động.
Về nhân viên gác đường ngang, Cục Đường sắt cũng chỉ ra các vi phạm quy định về kỷ luật lao động, thiếu tinh thần trách nhiệm khi lên ban, vi phạm các quy định có liên quan đến công tác an toàn giao thông trong khi thực hiện nhiệm vụ như ngủ khi lên ban; không mặc đồng phục trong khi lên ban; thiếu, hư hỏng trang thiết bị liên quan đến tác nghiệp của đường ngang theo quy định.
Đặc biệt, tại một số vị trí đã bố trí học sinh thực tập làm nhiệm vụ chức danh nhân viên gác đường ngang hay kiểm tra có các nhân viên gác hầm, gác đường ngang, nhân viên tổ dồn (trưởng dồn, ghép nối đầu máy toa xe), trực ban chạy tàu ngủ khi lên ban.
Một số đường ngang có tình trạng cho tổ chức cá nhân bên ngoài kinh doanh trong phạm vi xung quanh nhà gác đường ngang, gây ảnh hưởng đến tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang, an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực đường ngang.
Bên cạnh đó, kiểm tra cho thấy, việc kiểm tra, giám sát của một số tổ chức quản lý đường sắt, sử dụng nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu buông lỏng, chưa thường xuyên liên tục; nội dung kiểm tra không đảm bảo tính nghiêm túc.
“Sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đối với các tổ chức, cá nhân và các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi lên ban để đảm bảo an toàn còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe”, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.
Nhằm chấn chỉnh và đảm bảo công tác trực tàu, an toàn giao thông đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động khi lên ban; rà soát, hoàn thiện quy định kiểm tra, giám sát đối với công tác an toàn giao thông đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Trước đó, tại cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, nhấn mạnh nếu tai nạn giao thông đường sắt còn tiếp tục xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm sẽ không biết ngành Đường sắt sẽ đi về đâu, uy tín của ngành Đường sắt như thế nào...?
“Chúng ta ăn lương Nhà nước thì phải có trách nhiệm với người dân, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và tài sản của họ. Bộ GTVT không bao che cho các đồng chí không làm tròn trách nhiệm, vi phạm và không hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng nêu rõ.
Trong tháng 5 vừa qua, trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp 5 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, trong đó 3 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành Đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước… Sau các vụ tai nạn, VNR đã đình chỉ công tác với 10 cán bộ, nhân viên trực tiếp có liên quan tới các sai sót dẫn tới tai nạn đồng thời yêu cầu 12 lãnh đạo các đơn vị, bộ phận chức năng chịu trách nhiệm liên đới kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. |
Tác giả: Phạm Huyền
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân