Ngày nay, tuy hình ảnh cây cau, dây trầu đã dần dần mờ phai, ít còn ai nhắc tới. Nhưng tại làng trầu Vị Thủy, nhất là ấp 5, ấp 7 và ấp 8 vẫn còn đó những vườn trầu xanh mướt thật hiếm thấy. Có lẽ đây là những vườn trầu ấn tượng nhất còn sót lại ở Đồng bằng sông Cửu Long với 60 hộ, diện tích trồng khoảng 15 ha. Tại xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cũng còn một làng trầu nhưng chỉ rộng khoảng 3 ha.
Đường vào làng trầu Vị Thủy.
Bà Nguyễn Thị Hai, một trong những người trồng trầu lâu năm ở Vị Thủy cho biết khi bà còn nhỏ tuổi, nhà ông bà, ba mẹ đã có sẵn vườn trầu. Đến đời bà cho tới con cháu sau này cũng đều trồng trầu. Trồng trầu tuy không ai giàu nhưng nhờ thu hoạch quanh năm, đủ cho cái ăn cái mặc và lo cho con cái học hành nên nhiều người vẫn giữ lại vườn trầu.
Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích. Sau 4 – 5 tháng xuống giống dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ nửa tháng lại hái một lần. Thường thương lái đến tận nhà thu mua chở đi các nơi giao lại cho bạn hàng ở các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là những nới có đông đảo người Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng, Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang). Tính ra, một người trồng trên 1.000 nọc trầu, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 3 triệu – 4 triệu đồng.
Ngày nay, theo phong tục cổ truyền, trầu cau được coi như một thứ lễ vật thiêng liêng không thể thiếu trong lúc gia đình có hỷ sự như ngày giỗ, ngày Tết, lúc hội hè, đình đám, đặc biệt là lễ cưới hỏi. Tuy nhiên, trầu cau cũng đang mất dần thị trường tiêu thụ vì phụ nữ đã bỏ dần tục ăn trầu, ngay cả người già cũng không thích nhai trầu bỏm bẻm. Nhưng đối với nhiều du khách, có dịp đi ngang qua làng trầu Vị Thủy, nhìn thấy những giàn trầu óng mượt ai nấy cũng đều muốn vào chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn chút hồn quê còn lưu lại nơi này.
Trầu Vị Thủy chưa tới lứa.
Trầu vàng Vị Thủy đã tới lứa cắt.
Hình ảnh một bà cụ đang ngoáy trầu.
Trầu cau không thể thiếu trong lễ cưới hỏi.
Tác giả bài viết: Phúc Lộc