Làng cổ Đường Lâm
Đường Lâm là ngôi làng cổ kính bậc nhất của vùng đồng bằng sông Hồng, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều ngôi nhà trăm tuổi đã phai màu thời gian. Với vị trí gần đường quốc lộ và cách Hà Nội chỉ khoảng 50km nên di chuyển đến Đường Lâm khá thuận tiện và dễ dàng. Bạn có thể đi bằng xe khách, ô tô riêng, xe máy hoặc đi xe bus.
Đến đây du khách sẽ cảm nhận được cuộc sống làng quê vô cùng yên ả với cây đa, giếng nước sân đình... cùng không gian cổ kính hiện lên từ cổng làng đến bức tường, lối đi hay những cánh cửa gỗ then cài đã mục.
Đây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền và là quê hương của nhiều danh nhân gắn liền với những di tích cổ xưa.
Du lịch làng cổ Đường Lâm, bạn đừng quên dừng chân thăm thú những ngôi nhà thờ cổ và thưởng thức những món ăn ngon và hấp dẫn như gà mía, tương chấm, chè lam hay kẹo dồi…
Có rất nhiều điều để khám phá, mỗi kỉ vật, mỗi căn nhà, mỗi viên gạch lát trên đường đi, phía sau nó là những câu chuyện thật dài.
Trước mắt chỉ có đồng xanh rì rào và bầu trời cao vời vợi với ánh nắng tỏa khắp không gian.
Làng gốm Bát Tràng
Bát Tràng là một trong số ít làng nghề lâu đời và lừng danh thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi sản xuất đồ gố mang đậm màu sắc văn hoá, phong tục của người Việt. Đây được coi như thiên đường của gốm vì có nhiều đất sét trắng- nguồn nguyên liệu tốt để tạo ra những sản phẩm gốm chất lượng.
Bạt ngàn các loại gốm sứ
Làng gốm hiện lên đậm chất dân dã, thôn quê được nhiều du khách yêu thích và coi là một điểm đến lý tưởng vào cuối tuần. Du khách có thể đến đây trải nghiệm cưỡi xe trâu tham quan làng cổ, thăm chợ gốm và mua sắm gốm sứ hay thử món đặc sản canh măng mực chỉ có duy nhất nơi đây.
Thú vị hơn, ở làng gốm Bát Tràng, ai cũng có thể tự tay trải nghiệm làm gốm như những nghệ nhân thực thụ để tạo nên những sản phẩm độc đáo của riêng mình từ nặn đất, nhào cho đến nặn gốm trên bàn xoay, tô màu và tự nung trong lửa.
Từ trung tâm Hà Nội tới làng gốm Bát Tràng chưa đầy 20km nên bạn hoàn toàn có thể đi đến đây bằng xe máy hoặc xe đạp, nếu muốn an toàn hoặc sạch sẽ hơn thì bạn có thể đi ô tô cá nhân hoặc taxi.
Làng Cự Đà
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15 km về phía tây bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà được nhiều người biết đến với cái tên đậm màu "hào nhoáng” – làng doanh nhân.
Ngôi làng trù phú có dòng sông Nhuệ bao bọc xung quanh, hai bên bờ sông là những rặng tre xanh tốt, giúp du khách được thả hồn mình vào bức tranh quê bình yên tuyệt đẹp.
Cho đến nay, làng vẫn giữ được nét độc đáo, vẹn nguyên lối kiến trúc kiểu Pháp từ cách đây hơn 100 năm, bởi lẽ đó khách tham quan luôn có một cảm giác hoài cổ vô cùng dễ chịu
Trải qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, tất cả như vẫn hiên ngang thách thức thời gian.
Cự Đà còn là vùng đất mang trong mình nét đẹp của một làng nghề truyền thống, được biết đến với tương nếp và miến dong. Từ lâu, tương của làng Cự Đà có tiếng thơm ngon và đi vào ca dao như một thương hiệu: “Tương Cự Đà – cà làng Đám”.
Sản phẩm được lưu truyền từ lâu đời với kinh nghiệm và bí quyết riêng làm nên cả một thương hiệu: mẻ tương nếp thơm ngọt; sợi miến dai mà không nhũn, không làm đục nước dùng.
Người dân ở đây luôn giữ nếp sống rất mộc mạc, đều đặn với công việc thường nhật.
Làng Đông Ngạc
Ít ai biết rằng bên bờ sông Hồng gần chân cầu Thăng Long vẫn còn tồn tại làng Đông Ngạc đậm nét truyền thống. Ngôi làng mang vẻ đẹp cổ kính của các ngõ xóm lát gạch nghiêng với niên đại đã hơn 400 năm.
Đi dọc theo con đường gạch đỏ, nhìn ngắm những ngôi nhà cổ được bao phủ nhiều lớp rêu phong và mái ngói đã đổi màu, bạn sẽ được đắm chìm vào dĩ vãng của thời xa xưa.
Làng này xưa kia có tên là Kẻ Vẽ ,còn được gọi là "làng tiến sĩ" - nơi có nhiều tiến sĩ Hán học và Tây học. Nổi tiếng với một vài nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem, làm quang gánh, nặn nồi đất... Đông Ngạc khiến nhiều du khách hết sức ngỡ ngàng khi bắt gặp những nét đẹp truyền thống của làng quê ở nơi chỉ cách nội thành xô bồ náo nhiệt chưa đến 10km.
Cảnh sắc yên bình, tĩnh tại và đẹp đến nao lòng.
Nếu có dịp đến đây, bạn đừng quên tận hưởng điều tuyệt vời nhỏ bé được ngồi giữa những gian nhà cổ, nhâm nhi một chén trà pha trong chiếc ấm xưa, thong thả ngắm nhìn ra cảnh vật với hàng sân gạch cũ, hàng cau, giàn trầu xanh mát để hiểu hơn giá trị truyền thống dân tộc.
Và khi ra về, đừng vội lao đi mà hãy thật chậm lại vì chỉ cần bước qua khỏi cánh cổng làng, vòng xoay vội vã của cuộc sống hiện đại sẽ nhanh chóng bủa vây bạn.
Đạp xe thong dong trên những con đường dài rợp bóng cây và cảm nhận sự thư thái trong tâm hồn mà cảnh sắc đem lại
Tác giả bài viết: Hiền Phạm (tổng hợp)