Cùng với Sóc Trăng, Trà Vinh là tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hòa trong dòng chảy giao thoa văn hóa, ẩm thực dân gian ở miền đất này cũng để lại những dấu ấn độc đáo, thú vị.
Đến với Trà Vinh, người ta không thể quên món bún nước lèo, bánh tét cốm dẹp, cháo dơi, … hấp dẫn. Đặc biệt hơn ở đây còn có món bún suông, khó nơi nào sánh được.
Những con suông vừa hấp chin.
Ngay từ tên gọi đã gây được ấn tượng cho người đam mê khám phá. Theo bà con ở đây thì tên gọi loại bún này bắt nguồn từ nguyên liệu được chế biến ăn kèm với bún. Những con tôm đất được quết, giã nhuyễn, nêm nếm vừa ăn rồi nắn thành sợi dài đem hấp chín, hoặc chiên trong chảo dầu cho vàng, giòn. Gọi đó là suông. Đây cũng là cách Việt hóa một tiếng Khmer dùng chỉ con tôm đất. Nhưng cũng có người lại giải thích rằng suông là cách nói trại đi của từ “đuôn”. Bởi hình dáng cọng chả tôm đất nhìn cũng hao hao ấu trùng của loài bọ cánh cứng chuyên cắn phá dừa, dừa nước.
Tô bún suông.
Ngoài ra, món bún ngon còn phải kể đến sự góp phần không nhỏ của nồi nước lèo. Để nấu được nồi nước lèo ngon, người ta thường dùng nhiều xương heo, hầm lâu, vớt sạch bọt. Trong nồi nước còn có sự tham gia của nhiều gia vị khác, và không thể thiếu những con khô mực nhỏ.
Những cọng bún trắng tinh được gắp vào tô, xếp thêm lên đó ít giá, hẹ, rau sống, … Ở đây có sự dao động với biên độ rộng. Tùy theo người ăn hoặc hoàn cảnh hiện có. Nhiều khi rau sống ăn kèm lại là chuối cây thái ghém, hoặc bắp chuối thái nhuyễn, … đều được.
Chan nước lèo vào, phía trên để con suông, lại có khi người ta thêm thịt heo thái chỉ, hay những miếng xương vừa ăn đã mềm, … Nước chấm ăn kèm thường là tương xay, ớt hiểm, lát chanh tươi để thêm mùi, vị.
Tô bún suông ngọt lịm lại phảng phất mùi vị tôm đất tỏa ra làm cho người thưởng ngất ngây, thả hồn về với quê hương bình dị mà thân thiết, đậm đà tình nghĩa.
Tác giả bài viết: Minh Khuyên