Giáo dục

Kỳ thi vào lớp 10 THPT 2019-2020: Đề thi thú vị, vừa sức thí sinh

Ngày 2/6, thí sinh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế… đã trải qua ngày đầu tiên của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 -2020. Sáng nay 3/6, các thí sinh ở Hà Nội sẽ thi tiếp hai môn cuối là Ngoại ngữ và Lịch sử. Còn các thí sinh ở TP Hồ Chí Minh sẽ thi môn Toán. Rất nhiều thông tin đã được ghi nhận trong ngày thi đầu tiên.

Thí sinh trao đổi kết quả làm bài sau buổi thi đầu tiên.

Đề thi Ngữ văn thú vị

Đây là nhận định chung về đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2019 tại TP Hồ Chí Minh. Tương tự với đề thi năm học 2018-2019, năm nay TP Hồ Chí Minh tiếp tục có sự cách tân ra đề thi theo hướng mở, giảm tải các câu hỏi mang tính lí thuyết, học thuộc, gia tăng các câu hỏi gắn liền với cuộc sống đồng thời vẫn cho phép thí sinh thể hiện được quan điểm cá nhân, năng lực cảm thụ các tác phẩm văn chương.

Cụ thể, theo đánh giá của Trung tâm Học Mãi, về hình thức thể hiện đề thi, cấu trúc và barem điểm vẫn giữ nguyên với 3 câu hỏi được phân bổ điểm theo tỉ lệ 3/3/4. Trong đó, câu hỏi thứ 3 có 2 lựa chọn cho thí sinh với một đề là dạng quen thuộc kết hợp giữa nghị luận xã hội và nghị luận văn học, đề thứ 2 được đánh giá là khó, có yếu tố thách thức với thí sinh, đặc biệt là gây được sức hút với những thí sinh có năng lực tốt về môn Ngữ văn. Câu hỏi thiên về vai trò và chức năng của văn học trong việc hướng con người tới những điều tốt đẹp, những cảm xúc chân thành, cụ thể: “Văn học có khả năng đánh thức tâm hồn, gõ cửa trái tim”.

Đặc biệt, câu hỏi thứ 2 là câu nghị luận xã hội, thí sinh được quyền lựa chọn một trong 3 vấn đề để nghị luận về một chủ đề vừa hấp dẫn, vừa quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống thường ngày là sự ghen ghét với người nổi bật hơn mình. Thí sinh được thoải mái trình bày quan điểm của mình cũng như các luận điểm để bảo vệ quan điểm đó với hình ảnh về 4 cái cây rất thú vị.

Cũng hướng tới cách ứng xử đẹp, tích cực của con người trong xã hội, đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội được nhiều học sinh nhận định là “dễ thở”, không mang tính đánh đố nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại. Cụ thể, đề thi giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kĩ năng viết các đoạn văn nghị luận. Trong đó, văn bản dung làm ngữ liệu để hỏi ở phần 2 trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa Ngữ văn 9, các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra các kiến thức tiếng Việt, kĩ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối quen thuộc. Ở phần 1, đề thi hỏi về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh với các câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ…

Điểm khác biệt của đề thi năm nay so với đề thi năm ngoái ở chỗ: Cấu trúc và barem điểm được điều chỉnh từ 6/4 sang 7/3; ngữ liệu được mở rộng không chỉ trong các văn bản chính thức học sinh được học trong sách giáo khoa mà nằm ở phần phần luyện tập của sách giáo khoa Ngữ văn. Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ của học sinh.

Tại điểm thi Trường THPT Việt Nam Ba Lan, em Tô Trung Tôn, (cựu học sinh lớp 9D THCS Định Công, Hà Nội) cho biết em khá tự tin với kỳ thi năm nay. Bài thi Ngữ văn em làm khá tốt. Ngoài NV1 vào Trường Việt Nam Ba Lan, NV 2 em đăng ký vào trường THPT Ngô Thì Nhậm. Căn cứ vào điểm năm ngoái của 2 trường lần lượt là 44 và 41, em hy vọng mình sẽ đỗ vào lớp 10 công lập.

Đề Toán: Vừa sức, đề Tiếng Anh: Có sai sót

Ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, tại điểm Trường THPT Trương Định, buổi chiều thi môn Toán mặc dù theo quy chế thi, chỉ sau 2/3 thời gian làm bài thi, nếu thí sinh đã hoàn thành bài thi và nộp bài, ký xác nhận sẽ được ra khỏi khu vực thi. Tuy nhiên, phải đến gần hết giờ thi mới có thí sinh ra khỏi phòng thi, không có thí sinh nào ra sớm. Em Nguyễn Ngọc Lan (cựu học sinh Trường THCS Văn Điển) thi tại điểm Trường THPT Trương Định cho biết em làm hết bài thi Toán nhưng cũng chưa so đáp án nên chưa biết được bao nhiêu điểm. Theo dự đoán của em, vì đề không có quá khó so với các đề thi thử trước đây em đã ôn tập nên có thể đạt được trong khoảng 8 điểm do có câu hình học và câu cuối cùng khó.

Trong khi đó, với môn Tiếng Anh thi buổi chiều 2/6 tại TP Hồ Chí Minh phát hiện có sai sót. Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, trong đề thi Tiếng Anh tại câu 33 yêu cầu viết lại từ câu “Nowadays young people pay more attention to traditional festivals than they did some years ago” (Ngày nay, giới trẻ quan tâm nhiều hơn tới các lễ hội truyền thống so với những năm trước đây) thành câu “Some years back young....” (Những năm trước đây, giới trẻ…) nhưng đề lại in sai chữ “young” ở câu viết lại thành chữ “your”.

Ông Lê Hoài Nam cho biết: Đề thi tiếng Anh là đề thi chung toàn thành phố và có sai sót về lỗi chính tả. Vấn đề này Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh đã nắm được và đã chỉ đạo các thí sinh an tâm làm bài bình thường. Ban chấm thi sẽ có bàn bạc và xử lý sau này theo hướng làm sao có lợi nhất cho học sinh”.

Một số thí sinh cho biết lỗi này dễ nhận biết nên cũng không gây khó khăn nhiều cho việc làm bài của các em.

Phụ huynh quan tâm hỏi thăm về tình hình làm bài thi của thí sinh. Ảnh: Quang Vinh.

Hàng chục nghìn người phục vụ thi

Tại Hà Nội, năm 2019 là năm đầu tiên chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Đây là cũng là lần đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi 4 môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử. Trong đó, môn Lịch sử được công bố vào tháng 3.

Để phục vụ cho kỳ thi này, Sở GDĐT Hà Nội đã huy động 11.000 cán bộ trông thi tại 169 điểm; lập 10 đoàn giám sát ở các điểm nóng. Ngoài ra, Sở cũng áp dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm tránh hiện tượng gian lận thi cử. Theo số liệu thống kê nhanh, kết thúc môn thi đầu tiên Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10, Hà Nội có 6 thí sinh vi phạm quy chế thi, 497 em không đến phòng thi. Các trường hợp vi phạm quy chế, trong đó có 3 em bị đình chỉ, 3 em bị khiển trách, cụ thể: Có 3 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, 1 thí sinh sử dụng điện thoại di động, 2 thí sinh trao đổi bài và 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Trong buổi chiều thi môn Toán, số thí sinh không đến thi là 519, vắng 4 giám thị coi thi, có 2 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi.

Tại TP Hồ Chí Minh, kỳ tuyển sinh năm nay của thành phố có 135 điểm thi, trong đó có 126 điểm thi lớp 10 thường và 9 điểm thi lớp 10 chuyên, với tổng số 3.417 phòng thi. Có đến 675 ban lãnh đạo điểm thi và trên 10.250 giám thị được huy động để phục vụ kỳ thi.

Trong ngày đầu tiên, có gần 73.500 thí sinh dự thi môn Ngữ văn và Ngoại ngữ lớp 10 thường, vắng 718 thí sinh không lý do. Với lớp 10 chuyên, số thí sinh thi môn Ngữ văn và Ngoại ngữ là gần 6.100 em. Trong đó, môn Ngữ văn vắng 58 thí sinh, môn Ngoại ngữ vắng 63 thí sinh.

Theo kế hoạch, kết quả của kỳ thi sẽ được công bố vào ngày 13/6. Ngày 13/7, Sở GDĐT thành phố công bố kết quả điểm số và điểm chuẩn tuyển sinh THPT chuyên, tích hợp và diện tuyển thẳng. Ngày 10/7, Sở công bố điểm chuẩn tuyển sinh 10 và danh sách thí sinh trúng tuyển.

Khó dự đoán điểm chuẩn

Ở Hà Nội, năm thành phố có 85.873 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại sẽ học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề. Do số lượng thí sinh dự thi giảm khoảng 9.000 so với năm ngoái, tỉ lệ chọi các trường cũng giảm.

Theo nhận định của các chuyên gia, so với năm ngoái, kì thi vào lớp 10 năm 2019 ở Hà Nội có nhiều thay đổi trong đó thay đổi lớn nhất là số lượng các môn thi và xét tuyển vào lớp 10. Thí sinh làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Do năm nay thi 4 môn với đề thi được đánh giá vừa sức nên nhiều thí sinh cho biết làm bài khả quan. Chính vì vậy, dự đoán điểm chuẩn vào các trường sẽ khó khăn.

* Cũng trong ngày 2/6, tại nhiều tỉnh thành cũng bắt đầu diễn ra kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập. Tại Đà Nẵng, theo báo cáo nhanh từ Sở GDĐT thành phố, sáng 2/6, có 1 thí sinh dự thi ở điểm Trường THPT Ngũ Hành Sơn bị ốm nên không thể tiếp tục làm bài thi; 1 thí sinh đến trường thi chậm quá 15 phút kể từ khi tính giờ làm bài; 106 thí sinh vắng thi không có lý do. Năm nay, Đà Nẵng có 13.001 học sinh dự thi, tuy nhiên các trường THPT ở Đà Nẵng chỉ có 9.440 chỉ tiêu. Liên quan đến việc bỏ môn thi Ngoại ngữ ở thời điểm trước khi diễn ra kỳ thi; Phó Giám đốc Sở GDĐT Mai Tấn Linh cho biết, việc này đã được học sinh và phụ huynh chuẩn bị kỹ càng về tâm lý. Bỏ môn thi Ngoại ngữ không ảnh hưởng đến kỳ thi này. Tại Cần Thơ, trong thời gian thi môn Toán có 12.848 thí sinh đăng ký nhưng chỉ có 12.554 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, vắng 294 thí sinh. Không thí sinh nào vi phạm qui chế thi. Có 27 điểm thi tại 9 quận, huyện trên địa bàn.

* Chưa thi xong đã được mời học trường quốc tế: Theo ghi nhận, tại nhiều điểm thi ở quận Tân Bình, Gò Vấp, quận 12, Hóc Môn… bên cạnh việc trải qua những giây phút căng thẳng, nhiều thí sinh, phụ huynh cho biết còn bị làm phiền bởi các trường tư thục gắn mác quốc tế quảng cáo. Họ phát các tờ rơi in logo trường với quảng cáo rất tốt, nhiều ưu đãi. Thậm chí còn chụp hình cả những cơ sở vật chất hiện đại để thu hút thí sinh. Một phụ huynh ở quận 12 chia sẻ, việc các thí sinh đang vất vả lo lắng để làm bài thi, các quảng cáo này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý các em.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP