Người dân của ngôi làng hẻo lánh nằm bên bờ biển phía tây bắc của Alaska, Mỹ, không mong muốn khách du lịch ghé thăm họ. Đó là làng của người Inuit ở Point Lay, đồng thời cũng là nơi rất nhiều hải mã Thái Bình Dương tới sinh sống. Gần đây, do hiện tượng biến đổi khí hậu khiến băng ở vùng biển Chukchi tan chảy, khoảng 6000 con hải mã di cư tới khu vực gần làng.
Ngôi làng hẻo lánh
Point Lay hiện là nơi sinh sống của 270 cư dân. Khu vực này thậm chí không có nhà hàng, khách sạn. Trong khi đó, hiện tượng hải mã ồ ạt xuất hiện ở Point Lay khiến nhiều du khách yêu thiên nhiên thấy tò mò. Họ muốn tới nơi để tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ thú trên. Điều này khiến người dân làng lo lắng. Thuyền hay máy bay đáp xuống Point Lay có thể khiến những con hải mã hoảng sợ.
Đàn hải mã di cư nhìn từ trên cao
Đại diện của Point Lay đã làm việc với Cục động vật hoang dã và cá của Mỹ để đưa ra chiến dịch thông tin “Cảm ơn sự quan tâm, nhưng xin hãy dừng lại”. Theo ông Andrea Medeiros, phát ngôn viên của Cục có đại diện ở Anchorage chia sẻ: “Nhiều du khách tới đây nhưng không có nhà nghỉ để trú lại. Họ đành kết thúc chuyến đi bằng cách quay lại máy bay để trở về. Tôi nghĩ đó là tình huống khó xử cho cả đôi bên”.
Để ngắm bầy hải mã, du khách còn phải trải qua hành trình khắc nghiệt với rào chắn. Ông Leo Ferreira, chủ tịch hội đồng ở Point Lay, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Sitka KCAW vào năm ngoái, kêu gọi các hãng phương tiện truyền thông nên giữ khoảng cách nhất định với bầy hải mã. Điều này cũng tương đương với thông điệp, ngôi làng không muốn truyền thông tới đưa tin về hiện tượng di cư của loài vật này.
Bầy hải mã
Cục động vật hoang dã và cá của Mỹ đã làm việc với Cục hàng không liên bang để ngăn cản các máy bay tiến gần tới bầy hải mã. Tổ chức này có quỹ riêng để đào tạo lớp thanh niên ở Point Lay trong lĩnh vực quay phim, nhiếp ảnh, sản xuất phim liên quan tới động vật, đồng thời thu thập dữ liệu bao gồm tuổi, giới tính, nguyên nhân tử vong của hải mã.
Kể từ năm 2007, bầy hải mã di cư nhiều tới bờ biển phía tây bắc Alaska do nhiệt độ tăng dẫn tới các khối băng tan chảy. Hải mã hay gọi là con móoc hoặc hải tượng (voi biển). Những con trưởng thành rất dễ nhận diện bởi hai chiếc ngà cùng bộ râu đặc trưng. Con đực trưởng thành có thể nặng tới 1700 kg. Loài vật này sống chủ yếu ở vùng nước nông trên thềm lục địa, trên tảng băng để tìm kiếm thức ăn. Chúng có tuổi thọ kéo dài, sống theo bầy đàn và là loài đặc trưng ở vùng biển Bắc Cực.
Tác giả bài viết: Hoàng Hà
Nguồn tin: