Tin địa phương

Kiểm tra thiếu nước sạch ở Đà Nẵng, Cục Quản lý tài nguyên nước nói gì?

Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới thiếu nước sạch ở Đà Nẵng tuần qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cũng nêu rõ các công ty cấp nước, khai thác thủy lợi và nhất là các thủy điện phải ưu tiên cao nhất nước sinh hoạt của người dân!

Có hay không việc Dawaco “chơi chiêu”?

Sau khi dẫn đầu đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) tiến hành kiểm tra thực tế chiều 14/11 tại một số điểm ở Đà Nẵng và Quảng Nam, sáng nay 15/11 tại trụ sở Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị hữu quan về hoạt động khai thác, sử dụng nước thô để sản xuất nước sạch đối với Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ, Đà Nẵng.

PV Infonet đặt câu hỏi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước: "Qua kiểm tra, đoàn công tác có phát hiện Dawaco "chơi chiêu" trong vụ thiếu nước ở Đà Nẵng tuần qua hay không?"

Tranh thủ giờ giải lao, PV Infonet đã đặt câu hỏi với ông Châu Trần Vĩnh: “Có ý kiến cho rằng Dawaco cố tình giữ nước tại An Trạch, không bơm về Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ xử lý, cung cấp cho nhu cầu của người dân, gây ra tình trạng thiếu nước ở Đà Nẵng tuần qua nhằm tạo áp lực để đạt mục đích riêng của mình. Qua kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan hữu quan, ông có nhận xét gì về ý kiến đó?”. Ông Châu Trần Vĩnh từ chối trả lời với lý do “đó không phải là nội dung kiểm tra của đoàn công tác lần này”.

Tuy nhiên tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Dawaco, Sở TN&MT Đà Nẵng; các công ty quản lý, vận hành thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi TP Đà Nẵng… về việc vận hành hệ thống các hồ chứa thủy điện, hệ thống đập dâng An Trạch phía thượng lưu liên quan đến việc sử dụng nước của NMN Cầu Đỏ, ông Châu Trần Vĩnh đã có một số nhận định sơ bộ trước khi có báo cáo chính thức cho lãnh đạo Bộ TN&MT và thông tin cho các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn, báo chí.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, trước khi tiến hành kiểm tra thì đoàn công tác đã có tương đối đầy đủ các thông tin liên quan đến việc quản lý, vận hành hệ thống NMN của Dawaco. Trên cơ sở đó, đoàn đã đi khảo sát thực tế liên quan đến việc đảm bảo nguồn nước cho NMN Cầu Đỏ nói riêng cũng như việc đảm bảo nguồn nước cho hạ du sông Vu Gia trong thời gian từ đầu mùa lũ 2018 đến nay.

Vấn đề nằm ở tuyến ống chuyển nước từ An Trạch về NMN Cầu Đỏ

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho hay, ngày 14/11, Tổng cục Thủy văn (Bộ TN&MT) đã có báo cáo về nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, trong đó nhận định từ đầu tháng 11, thời tiết đã chuyển từ hiện tượng ENSO (tên gọi tắt của hai hiện tượng El Nino và La Nina) sang El Nino. Từ tháng 9 – 10, tổng lượng mưa thấp hơn từ 30 – 70% của trung bình nhiều năm. Trong khi đó, lượng nước của mùa lũ năm nay cũng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 70 – 80%.

Qua nắm bắt tình hình 4 hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 có tính chất quyết định cho việc điều tiết nước cho hạ du, ông Châu Trần Vĩnh nêu rõ, mùa lũ năm nay rất đặc biệt. Gọi là mùa lũ nhưng thực ra lại đang hạn. Dù đang giữa mùa lũ nhưng hiện trong 4 hồ thủy điện nêu trên chỉ có Sông Bung 4 còn lượng nước trên mực nước chết, 3 hồ còn lại đều đã xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết.

Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước họp với các cơ quan, đơn vị hữu quan sáng 15/11 về hoạt động khai thác, sử dụng nước thô để sản xuất nước sạch đối với NMN Cầu Đỏ, Đà Nẵng...

Mặc dù vậy, các thủy điện vẫn ưu tiên xả nước về hạ du giúp Đà Nẵng đẩy mặn. Nhờ vậy nguồn nước cho hạ du sông Vu Gia, nhất là TP Đà Nẵng, và đặc biệt nguồn nước cho NMN Cầu Đỏ vẫn đảm bảo. Tuy nhiên có hai đợt xảy ra thiếu nước do tình hình nhiễm mặn đột biến trên sông Cầu Đỏ từ 1.000mg/lít trở lên. Với tình hình thời tiết diễn biến khó lường hiện nay thì chưa thể nói trước điều gì về khả năng tiếp tục nhiễm mặn. Vì vậy cùng với lấy nguồn nước thô trên sông Cầu Đỏ thì việc bơm nước từ An Trạch về NMN Cầu Đỏ để xử lý sẽ phải tiến hành song song và thường xuyên trong thời gian tới.

Trạm bơm An Trạch có khả năng bơm 300.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên tuyến ống chuyển nước thô từ trạm An Trạch về NMN Cầu Đỏ công suất thiết kế chỉ có 210.000m3/ngày đêm (so với nhu cầu là 270.000m3/ngày đêm), nếu vận hành quá tải trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến an toàn của tuyến ống.

Điều đó cho thấy nguồn nước thời gian qua không thiếu nhưng phương án và khả năng lấy nước lại chưa phù hợp, cộng thêm một số thời điểm nhiễm mặn đột biến, dẫn tới thiếu nước trên địa bàn TP. Vì vậy ông Châu Trần Vĩnh đề nghị Dawaco sớm có giải pháp để nâng cao hiệu quả vận hành, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt liên tục cho người dân.

Ưu tiên cao nhất nước sinh hoạt cho người dân rồi mới đến các lợi ích khác

Chính vì tình hình rất đặc biệt như vậy nên trong đầu tháng 11, Bộ TN&MT đã có văn bản cảnh báo trực tiếp tình hình trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, tiếp đó có văn bản cảnh báo trên 5 lưu vực từ sông Hương vào đến sông Ba đều có tình trạng tương tự lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, rất nhiều hồ chứa đang ngấp nghé mực nước chết.

“Còn may một chút là mùa lũ này lưu vực Vu Gia – Thu Bồn vẫn còn có mưa, tất nhiên là mưa không lớn, không mưa ở thượng nguồn nên nước không về các hồ chứa nhưng mưa ở hạ du cũng giúp bớt bức xúc về nước. Vụ Đông Xuân 2019 đang rất lo, nhưng lúc đó vẫn còn có mưa hoặc đôi khi hy vọng có lũ tiểu mãn. Bộ TN&MT đang lo lắng nhất là nhìn đến nguy cơ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng ở vụ Hè Thu sang năm trên toàn khu vực!” – Ông Châu Trần Vĩnh nói.

và kiểm tra thực tế tại NMN Cầu Đỏ

Theo ông, để đảm bảo nguồn nước chung, các nhà máy thủy điện cần hết sức lưu ý phát điện lên lưới trong mùa cạn (bắt đầu từ ngày 15/12) để tiết kiệm nước cho cả mùa kiệt 2019. Bởi theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thì từ tháng 11/2018 đến tháng 1/2019 có nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán, thiếu nước tại lưu vực Vu Gia – Thu Bồn.

Từ nay đến hết mùa lũ (ngày 15/12) chỉ còn 1 tháng nhưng các hồ chứa trên toàn lưu vực Vu Gia – Thu Bồn thiếu hụt lưu lượng nước về so với trung bình nhiều năm từ 70 – 80%. Thậm chí thủy điện Sông Tranh 2 còn báo cáo rất “giật mình” là đang thiếu hụt lượng nước đến 90%. Tiếp sau mùa lũ thiếu nước hiện nay, với nhận định thời tiết như nêu trên thì lưu vực Vu Gia – Thu Bồn thì sẽ còn tiếp 9 tháng khó khăn rất nặng nề.

Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mùa cạn sang năm, đặc biệt là từ tháng 6 đến tháng 9. Vì vậy các chủ hồ chứa, Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam, Đà Nẵng và Dawaco cần phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời để đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm nhất. Trường hợp không có lũ thì cố gắng tích trữ nước tối đa đến mực nước cao nhất và cố gắng sử dụng nước hết sức tiết kiệm, hiệu quả. Nếu không thì nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nói riêng và các lưu vực sông miền Trung là rất cao.

“Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các địa phương lưu ý nhất về vấn đề tích nước hồ chứa và sử dụng nước tiết kiệm. Dawaco phải có giải pháp tối đa không để ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân do thiếu nước. Đặc biệt 4 chủ hồ chứa thủy điện lớn là A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 phải ưu tiên cao nhất để người dân không bị thiếu nước sinh hoạt.

Trong giai đoạn này, các lợi ích nông nghiệp, thủy điện đều là thứ yếu. Không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, sau đó mới đến các lợi ích khác. Nước sinh hoạt cho người dân phải là ưu tiên cao nhất không chỉ của Dawaco mà còn với tất cả các hồ chứa thủy điện. Kể cả các hồ đang bị “treo” huy động phát điện lên lưới vì đã ở mực nước chết nhưng để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân thì cũng phải xả nước!” – Ông Châu Trần Vĩnh nói đi nói lại nhiều lần.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP