Tối ngày 9/3, trao đổi với PV Dân trí, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết UBND huyện vừa tổ chức buổi thông báo chủ trương của UBND huyện trong việc chấp hành kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Huyện ủy đối với số giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế nhà nước.
Hàng trăm giáo viên ngỡ ngàng, chua xót khi nhận tin mất việc |
Cũng theo bà Trinh, tại buổi họp UBND huyện đã thông báo sẽ cắt hợp đồng đối với 200 giáo viên hợp đồng không có vị trí xét tuyển sắp tới. Riêng số còn lại (khoảng trên 400 giáo viên - PV) đủ điều kiện sẽ tham gia tuyển dụng giáo viên vào đầu tháng 4/2018 chỉ tiêu là 83 người, với những người không trúng tuyển thì buộc phải chấm dứt hợp đồng và tìm kiếm công việc khác.
“Đây là chỉ đạo từ trung ương nên huyện thông báo chấm dứt trước 45 ngày, để các trường được biết. Đến ngày 1/4 huyện phải có báo cáo đến Thanh tra chính phủ về tiến trình giải quyết vụ việc này”, bà Trinh cho hay.
Như vậy, trong số trên 600 giáo viên hợp đồng sẽ có khoảng trên 500 người bị mất việc vì không có chỉ tiêu hoặc không đủ điều kiện thi tuyển. Ngay sau khi nhận được thông báo này các giáo viên hợp đồng đã vô cùng bức xúc và òa khóc tức tưởi vì bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Nhiều giáo viên hợp đồng đã rất sốc |
Môt nữ giáo viên bị cắt hợp đồng bức xúc cho biết, cô đã và đang giảng dạy tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện được 6 năm nay. Đến chiều hôm nay nghe thông báo thì mới biết được rằng tháng tới cô sẽ phải nghỉ dạy vì đây là…chỉ đạo.
“Suốt 6 năm em bám trụ với nghề, mức lương có khi chỉ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng, có tháng không lương nhưng tụi em vẫn đi dạy, vẫn cống hiến để có cơ hội được vào biên chế. Vậy mà chiều nay chỉ được nghe cái quyết định chấm dứt là xong hết… Nghe xong chúng em rất sốc và buồn, nước mắt cứ chực rơi ra. Phũ phàng, bạc bẽo quá chị ơi!”, nữ giáo viên nói trong nước mắt.
Nữ giáo viên này cũng chia sẻ, trong buổi thông báo của UBND huyện chỉ đọc thông báo mà không cho bất kỳ giáo viên nào nêu ý kiến rồi nhanh chóng kết thúc buổi làm việc.
Liên quan vụ việc này, bà Ngô Thị Minh Trinh cho rằng bước đầu UBND huyện sẽ có thông báo đến các giáo viên và nhà trường, sau này sẽ tổ chức buổi đối thoại với những giáo viên hợp đồng nào có ý kiến.
“Huyện rất thương các em mời các em lên để thông báo cho các em nắm được tình hình và thời gian sắp tới nó sẽ là như vậy. Đồng thời, giao cho Hiệu trưởng làm các bước theo quy trình. Sau đó, trong quá trình nhà trường làm việc với các em có ý kiến thì sẽ tổng hợp lại và UBND huyện sẽ có lịch tổ chức đối thoại với các em”, bà Trinh nói thêm.
Trước đó, từ năm 2011-2015 huyện Krông Pắk liên tục lý hợp đồng lao động đối với các giáo viên ở ba cấp THCS, tiểu học và mầm non. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận những sai phạm của UBND huyện Krông Pắk trong việc tuyển dụng dẫn đến dư thừa 600 giáo viên.
Việc tuyển dôi dư giáo viên hợp đồng có liên quan đến nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) và ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyên Krông Pắk đương nhiệm.
Với những sai phạm này, ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị Ủy ban kiểm tra ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng, do không thực hiện theo tinh thần kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dôi dư giáo viên. Riêng ông Y Suôn Byă Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh lien quan đến vụ việc này.
Ngày 12/01/2018, Thanh tra Chính phủ cũng ra Thông báo kết luận thanh tra số 65/TB-TTCP thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục tại tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk do không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk do ký hợp đồng với giáo viên; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên thừa theo quy định.
Tác giả: Thúy Diễm
Nguồn tin: Báo Dân trí