Giới trẻ

Hình ảnh đám cưới 'một túp lều tranh, hai trái tim vàng' gây sốt mạng xã hội

Hình ảnh cô dâu chú rể trong đám cưới giản dị ở vùng quê Việt Nam gây chú ý trên mạng xã hội. Nhiều người gọi đây là đám cưới 'một túp lều tranh, hai trái tim vàng'.

Ngày 1/10, hình ảnh đám cưới "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" xuất hiện trên mạng xã hội và nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ chỉ sau vài giờ đăng tải. Khác xa với những hình ảnh xa hoa, lộng lẫy thường thấy trong các đám cưới, loạt khoảnh khắc này gây chú ý với nhiều người bởi sự đơn sơ và giản dị.

Trong đám cưới, vẫn xuất hiện xe rước dâu, nhưng ngôi nhà cấp 4 lợp mái ngói đơn sơ đáng chú ý hơn cả. Có thể thấy gia đình đã tổ chức một đám cưới giản dị hết mức có thể, không dựng phông rạp, cũng không có loa đài. Dù là đám cưới "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" nhưng cô dâu vẫn cười hạnh phúc khi được mẹ chồng trao tặng chiếc nón.

Hình ảnh đám cưới đơn sơ tại vùng quê Bắc Bộ gây chú ý với nhiều người.

Mẹ chồng tươi cười trao nón lá cho con dâu.

Sau khi loạt ảnh được đăng tải, nhiều người dùng mạng xã hội gửi lời chúc phúc đến cặp đôi. "Vợ chồng mà đồng lòng cùng nhau cố gắng thì 10 năm sau, ngôi nhà trong ảnh sẽ thành cơ ngơi khang trang", một bình luận nhận được nhiều lượt thích của người dùng mạng.

"Miễn sao thương yêu nhau và sống với nhau hạnh phúc là được. Đám cưới rình rang để làm gì nếu sống chung được vài hôm lại chửi đánh nhau, coi như như kẻ thù".

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đám cưới quá sơ sài. "Cả đời chỉ cưới một lần, nên tổ chức đám cưới chu đáo, nghĩ tội nghiệp cô dâu" - một tài khoản chia sẻ ý kiến.

"Biết là không cần khoa trương nhưng tối thiểu gia đình cũng cần có sự chuẩn bị. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Rẫy sạch cỏ ở cổng, quần áo ở hè thì cất gọn vào, như thế mới thể hiện được sự trang trọng của lễ cưới" - một tài khoản khác bày tỏ quan điểm.

Thực tế, loạt ảnh trên được chụp cách đây khá lâu, từ cuối năm 2016. Từ chi tiết mẹ chồng tặng nón lá cho con dâu, có thể đoán được đám cưới được tổ chức tại Thanh Hóa. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ từ phong tục cưới hỏi của vùng quê Yên Định, Yên Thành, Thanh Hóa. Ngày nay, nhiều vùng quê ở Thanh Hóa vẫn lưu giữ tục lệ này.

Vào ngày cưới, khi đoàn rước dâu bước đến cổng nhà trai, mẹ chồng sẽ đứng bên cổng và trao nón cho con dâu mới. Người dân nơi đây tin rằng làm như thế sẽ đem lại may mắn và hạnh phúc cho cô dâu về cuộc sống hôn nhân sau này. Cô dâu sẽ được che chở trong tình yêu thương của chồng cũng như gia đình nhà chồng.

Tác giả: Hải Vân

Nguồn tin: thoidai.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP