Kinh tế

Hàng trăm trường hợp cố tình cung cấp sai, tẩy xoá tài liệu cho Kiểm toán Nhà nước

Mỗi năm có hàng trăm trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch. Đặc biệt có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật, có hiện tượng tẩy xóa tài liệu.

Tẩy xoá, không cung cấp tài liệu cho kiểm toán

Tờ trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự án được sửa đổi theo hướng quy định làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Với những đối tượng này, dự thảo luật đề xuất nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cũng có trách nhiệm thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo kết quả cho Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3), phía kiểm toán phải thực hiện thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường).

"Một số đơn vị có quan niệm không là đơn vị được kiểm toán, không chịu sự kiểm toán và có hành vi không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với Kiểm toán Nhà nước, không hợp tác khi Kiểm toán viên nhà nước đến làm việc", Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề cập tới việc bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán Nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo giải thích, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa quy định nên chưa có biện pháp xử lý những trường hợp trên và đây là khoảng trống pháp lý.

"Mỗi năm có hàng trăm trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch. Đặc biệt có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật, có hiện tượng tẩy xóa tài liệu", Kiểm toán Nhà nước thống kê.

Bình luận về đề xuất này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An đồng tình và cho rằng, hiện tại, việc xử lý cá nhân, tổ chức không hợp tác là "yếu."

Đại biểu Giàng Thị Bình, đoàn Lào Cai lưu ý, cần đối chiếu nội dung xử phạt trên với Luật xử lý vi phạm hành chính để xem xét thẩm quyền. Đồng thời, việc quy định mức xử phạt cũng cần xem xét số tiền ra sao cho mỗi trường hợp.

Quan giữa Kiểm toán Nhà nước và địa phương "chưa tương xứng"

Tại phiên họp Tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Luật Kiểm toán nhà nước có vai trò quan trọng để kiểm toán tài sản công và tài chính công.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Luật Kiểm toán Nhà nước mới ban hành được 3 năm, quy định bộ máy, tổ chức của Kiểm toán nhà nước theo khu vực chứ không tổ chức theo từng địa phương khác nhau. Đây là mô hình tiên tiến, phù hợp với thông lệ của Quốc tế, bảo đảm các quy định về tổ chức, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Phó Thủ tướng đánh giá hệ thống Kiểm toán Nhà nước hiện nay ổn định nhưng quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với địa phương thì chưa “tương xứng”, mối quan hệ của Kiểm toán Nhà nước “nghiêng” về phía Quốc hội nhiều hơn.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề về dự án Luật nên quy định Trưởng Kiểm toán khu vực có quyền trình bày báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ở phiên họp Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân sử dụng kết quả kiểm toán này để đánh giá, phê duyệt phương án ngân sách, tài chính của địa phương.

“Tôi cho rằng đây là điều mà dự án Luật cần quy định trong dự án Luật, là cơ chế để giám sát, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan”, Phó Thủ tướng bày tỏ và cho rằng nếu cơ quan soạn thảo và thẩm tra không kịp bổ sung nội dung này thì nên tính toán “dãn” tiến độ xây dựng dự thảo lại một vài năm để làm cho kỹ.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP