Bà Trần Thị Kim Huệ đau xót nhìn vườn tiêu chết khô. |
Theo đó, tại thôn Bình Phụng, xã Bình Quế, nhiều hộ trồng tiêu cho biết, sau đợt mưa lũ cuối 2017 đến nay, trên địa bàn xuất hiện tình trạng nhiều cây tiêu bị héo lá và chuyển sang màu vàng dẫn đến thối rễ chết khô.
Ngoài ra, trên các thân lá trụ tiêu còn xuất hiện nấm trắng. Dù người dân mua thuốc về phun nhưng vẫn không cứu được.
Bà Trần Thị Kim Huệ (47 tuổi), trú thôn Bình Phụng cho biết: Gia đình bà đầu tư gần 200 triệu đồng đúc trụ và mua giống tiêu Lộc Ninh về trồng. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, gần 300 trụ tiêu của gia đình đột nhiên bị héo lá, cây chuyển sang màu vàng, rễ bị thối và chết khô.
“Gia đình đã mua thuốc về phun để cứu tiêu nhưng bất thành”, bà Huệ buồn bã nói.
Một góc vườn tiêu của người dân thôn Bình Phụng chết khô. |
Đồng cảnh ngộ với bà Huệ, gia đình ông Trương Công Hậu (43 tuổi), trú thôn Bình Phụng, trồng được 500 cây tiêu chỉ còn vài tháng tới kỳ thu hoạch thì bất ngờ khoảng 200 cây tiêu bị héo lá và chuyển sang màu vàng rồi chết.
“Có thể, năm 2017 do ở địa phương trời mưa nhiều và khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh sinh trưởng phát triển xâm hại đến cây tiêu”, ông Hậu nói.
Theo thống kê, toàn xã Bình Quế hiện có rất nhiều hộ tham gia trồng tiêu với khoảng trên 4.000 cây.
Trong đó riêng 12 hộ dân trồng tiêu thôn Bình Phụng bị chết, với số lượng khoảng 700 trụ.
Trước sự việc này, ông Phạm Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho biết: “Chính quyền xã đã báo cáo lên lãnh đạo huyện Thăng Bình về tình trạng tiêu chết trên địa bàn. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ mở lớp tập huấn cho bà con hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tiêu và cách phòng bệnh”.
Cũng theo ông Trí, cây tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương vì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những loại cây trồng khác mà bà con trồng trước đây.
Tác giả: Tấn Thành- Chí Đại
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết