Xã hội

Hàng trăm bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc

Năm qua, 221 người lao động của Bệnh viện Bạch Mai đã thôi việc và bệnh viện đã tuyển dụng, ký hợp đồng mới với 506 người, trong đó có nhiều nhân sự chất lượng cao

Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc hàng trăm nhân lực chất lượng cao của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã "dứt áo ra đi". Chiều 13-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS - bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc dịch chuyển người lao động là điều bình thường sau khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, sắp xếp lại nhân sự.

Thu nhập giảm chứ không nợ lương

Cụ thể, từ ngày 17-2-2020, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ - giao bệnh viện này là bệnh viện công lập đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính nâng cao chất lượng dịch vụ. Năm 2020, bệnh viện giảm khoảng 2.000 tỉ đồng so với năm 2019 (tương đương với 30% tổng thu nhập). Bệnh viện đã rà soát các bộ phận không còn phù hợp và bỏ một số dịch vụ như hoạt động của nhà tang lễ, nhà ăn, cắt giảm nhà thuốc..., kéo theo giảm hơn 110 nhân sự.

Theo ông Thành, do áp lực công việc, nguồn thu giảm lại có những lời mời hấp dẫn từ hệ thống các bệnh viện tư với mức lương cao (hàng trăm triệu đồng) nên một số nhân viên đã ra đi. Ngoài ra, việc một số lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai sa vào vòng lao lý đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng con số này không nhiều (48 người là bác sĩ và điều dưỡng). Bù lại, bệnh viện đã tuyển dụng 506 lao động và đều là những nhân lực chất lượng cao.

Ông Thành khẳng định không có chuyện bệnh viện nợ lương và chậm trả lương cho cán bộ, nhân viên. "Năm 2020, bệnh viện đã dành 140 tỉ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ của bệnh viện để giúp 4.300 cán bộ, nhân viên trong bối cảnh nguồn thu bị giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19" - ông Thành cho biết.

Bệnh viện Bạch Mai

Bất mãn với lãnh đạo?

Liên quan vụ việc, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho hay đã nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai về việc có nhiều người lao động, nhân viên xin nghỉ việc.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, một trong các nguyên nhân là do chế độ, chính sách đãi ngộ với viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, tổng doanh thu của bệnh viện giảm. Từ đó, Bệnh viện Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành giá trần dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để có thêm nguồn thu cho bệnh viện, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức.

Trước đó, theo thông tin phóng viên nắm được, một số bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai đã làm đơn xin nghỉ việc và chuyển công tác sang đơn vị mới cho biết là do không đồng tình với cách quản lý của người đứng đầu. Một bác sĩ cho rằng cách quản trị của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua là không phù hợp và mang tính chất cảm tính. Việc bổ nhiệm một số lãnh đạo khoa phòng mang tính cá nhân, không có tính tập thể.

"Dư luận cho rằng bác sĩ và một số cán bộ lãnh đạo xin nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua là do lương, thưởng chậm và bị cắt giảm nhưng đây không phải là lý do chính. Tôi nghỉ việc vì cảm thấy không phù hợp với cách quản lý của người đứng đầu. Nhiều người nghỉ việc vừa qua có lẽ đều mong muốn có môi trường làm việc tập trung chuyên môn hơn" - một bác sĩ chia sẻ.

Theo một bác sĩ đã nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai, dù đã nghỉ nhiều tháng nay nhưng cách đây 1-2 tuần, bác sĩ này vẫn nhận được lương của bệnh viện. Đây là khoản lương bệnh viện đã nợ từ nhiều tháng trước đó.

GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Những người nghỉ việc không phải tất cả đều là nhân lực trình độ cao, mà có những người nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm sau khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn. Trong số những người nghỉ việc, có người là tiến sĩ, PGS, đã chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn”.

Tác giả: NGỌC DUNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP