Hệ thống hàng chục hang động núi lửa trong đá bazan ở huyện Krông Nô, tỉnh Đak Nông được các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản công bố tìm thấy cuối năm 2014.
Di chuyển từ khu du lịch thác Dray Sáp, men theo tỉnh lộ 684 tìm về xã Buôn Choah nơi miệng núi lửa Chư Bluk ngủ vùi sau những đồi cỏ dại, cây gai mọc um tùm, bạn sẽ có một trải nghiệm thật lý thú tận sâu lòng đất.
Đường vào hang băng qua đồi cỏ mênh mông bát ngát trên khoảng trời xanh ngắt.
Hệ thống hang động núi lửa ở Đăk Nông có chiều dài hơn 25 km với hơn 100 hang động lớn nhỏ khác nhau. Các nhà nghiên cứu bước đầu đã xác định ký hiệu cho mỗi hang gồm C3, C7, A1, C8, C9. Mỗi hang có một vẻ đẹp và cảnh quan riêng, trong đó hang C7 được đánh giá là dài nhất Đông Nam Á, nền hang cách mặt đất chừng 12 m và hoàn toàn không có lối đi, buộc phải leo thang hoặc sử dụng các thiết bị chuyên nghiệp mới có thể khám phá. Hang C3 được nhiều người trải nghiệm do lối đi vào hang không quá phức tạp, hang C8 có nhiều khe rãnh, tạo ra nhiều nhánh hang nhỏ.
Điểm đặc biệt về hang động núi lửa so với hang đá vôi là đường vân trên thành hang do sức ép của dung nham, tạo ra những hình thù sinh động.
Tại đây, nhiều người đã phải trầm trồ trước vẻ đẹp kiến tạo của hệ thống hang động, được ví von như Sơn Đoòng của Tây Nguyên.
Trong hang có nhiều cấu trúc đặc trưng về quá trình phun trào như: các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, các di tích thực vật được hình thành hàng triệu năm.
Những vách hang sâu thẳm, bên trong chứa đựng vệt dung nham cuộn chảy đã đông cứng hàng triệu năm, vẻ đẹp hiếm thấy mà không nơi nào sánh được.
Do nước mưa thẩm thấu từng vách đá, đáy hang ẩm ướt, trơn trượt, rêu xanh và dương xỉ phủ đầy lối đi.
Có thể nói việc tìm thấy hệ thống hang núi lửa tại Đăk Nông tạo ra những bước phát triển mới trong ngành du lịch nơi đây, đồng thời mở ra một bước ngoặt trong việc nghiên cứu các hang động Việt Nam.
Tác giả bài viết: Dương Thanh - Ảnh: Trần Khắc Hạnh