Du lịch

Hàng bún cà ri 20 năm trong chợ miền Tây

Quán ăn trông tạm bợ lại là địa điểm ăn sáng du khách nên ghé khi đến thị xã Tân Châu, An Giang.

Quán ăn không tên bên trong chợ Tân Châu, chỉ treo biển đơn giản với nét sơn cũ: "Bún cà ri". Chủ quán là đôi vợ chồng già mời khách dùng món. Đây là hai điểm đặc trưng để nhận ra hàng cà ri nổi danh của xứ lụa bên bờ sông Tiền.

Không gian quán được che chắn bởi tấm dù (bạt) bạc màu. Ảnh: Dy Khoa.

"Trước đó, quán mở bên ngoài. Sau này, người ta quy hoạch, chúng tôi chuyển vào đây", ông chủ giới thiệu. Đến nay đã gần 20 năm ông bà phục vụ người dân đất Tân Châu. Nhiều du khách nghe bạn bè giới thiệu đã tìm đến quán.

Ấn tượng ban đầu với những người tới đây là hình ảnh hai ông bà cụ chân chất miền Tây, hồ hởi mời khách và thường hỏi chi tiết để phục vụ được chu đáo.

Màu sắc, vị và độ sệt của tô bún cà ri chợ Tân Châu khác nhiều so với những phiên bản tại Việt Nam và các nước. Cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó phổ biến ở Đông Nam Á. Tại một số nước, món cà ri có nhiều biến thể và trở thành đặc sản quốc gia. Ảnh: Dy Khoa.

Tô bún được bưng ra vẫn giữ lại nguyên tắc cơ bản trong chế biến như dùng bột cà ri, nhưng có màu đậm hơn so với màu vàng tươi của những hàng quán khác ở trong và ngoài nước. Ngay tại Ấn Độ, cà ri cũng có màu khác nơi đây. Sự khác biệt đó làm du khách càng thêm tò mò về hương vị.

Ngoài màu sắc, nước dùng ở quán cũng sệt hơn với vị ngọt, béo ngậy, thơm mùi nước cốt dừa nhưng không cay như bản gốc. Khoai ăn cùng mềm, bột.

Khi ăn, bún và rau thấm cà ri, thịt gà mềm nhưng không bở, huyết không khô cứng giúp món ăn gia tăng độ hấp dẫn.

Theo vợ chồng chủ quán, họ mở hàng khá sớm, nên muốn thưởng thức, bạn phải từ bỏ thói quen ngủ "nướng". Nước cà ri đầu được nhiều người đánh giá là ngon hơn. Tô lớn có giá 25.000 đồng, nhỏ là 15.000 đồng.

Tác giả: Dy Khoa

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: chợ miền Tây , Hàng bún

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP