Đỉnh Hải Vân, nơi có di tích Hải Vân Quan và là điểm dừng của rất đông du khách mỗi ngày - Ảnh: Trường Trung
Cuộc họp kết thúc trong sự thở phào nhẹ nhõm của những người từng dõi theo cuộc tranh chấp Hải Vân Quan suốt hơn 20 năm qua.
Hai bên đã bước đầu tìm được tiếng nói chung: từ nay cả hai tỉnh thành sẽ cùng bảo tồn, cùng khai thác di tích lịch sử rất có giá trị này.
Trước mắt, phải lập hồ sơ để trình Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia. Cứ theo tinh thần hợp tác này thì có thể an tâm rằng Hải Vân Quan sẽ không còn nhếch nhác, hoang tàn trong tình cảnh vô chủ như lâu nay.
Còn nhiều giá trị khác
Nhưng “Hải Vân bát ngát nghìn trùng” như câu ca dân gian truyền tụng đâu chỉ có mỗi cái cửa ải Hải Vân Quan! Hải Vân còn có rất nhiều giá trị khác, một kho của quý vẫn còn nguyên vẹn: núi, rừng, biển, đảo, di tích lịch sử - văn hóa...
Chỉ riêng cái điểm cao trên đỉnh núi để nhìn ngắm mây trời và biển cả đã thu hút đông đảo du khách trèo đèo từ bao năm qua.
Vào những ngày chớm đông này, đứng trên đỉnh núi nhìn về phía bắc sẽ thấy từng đoàn mây trắng ùn ùn kéo lên, trong phút chốc mây đã vờn phủ quanh người mình. Một cảnh tượng quá huyền ảo!
Nhìn về phía nam, Đà Nẵng với biển xanh cát trắng và từng ô phố hiện ra rõ nét. Trong lần lên Hải Vân với KTS Nguyễn Trọng Huấn mười năm trước, nhà quy hoạch này đã phác họa cho tôi nghe về một giấc mơ Hải Vân: nếu trên sườn núi chênh vênh này xây dựng những khách sạn như những bao-lơn nhìn xuống vịnh Đà Nẵng sẽ là chỗ nghỉ tuyệt vời.
Những chiếc thang máy đi từ chân núi lên, mang theo du khách trong lồng kính, giữa bốn bề bát ngát trời biển và rừng núi. Thi thoảng một đám mây bay qua trắng xóa và mờ ảo.
Đêm trên đỉnh Hải Vân nhìn xuống, Đà Nẵng hiện ra như bức tranh rực rỡ sắc màu. Nhưng đó chỉ là giấc mơ vì trong quy hoạch của cả Đà Nẵng lẫn Huế, Hải Vân vẫn là một vùng rừng núi hoang sơ.
Năm 2005, điểm du lịch thể thao biển mở ra ở đảo Ngọc, sau đó lại dừng hoạt động -Ảnh: Đăng Nam
Mỗi lần đi tàu lửa qua đèo Hải Vân, nhìn xuống chân núi thấy hiện ra những bãi biển cát trắng phau và vắng lặng như thể chưa từng in dấu chân người.
Biển ấy mà làm du lịch sẽ là những bãi tắm tuyệt trần. Phía ngoài khơi không xa lắm là hòn đảo mà người Huế đặt tên là Sơn Chà, người Đà Nẵng gọi là Sơn Trà Con, còn dân du lịch gọi là đảo Ngọc.
Hòn Sơn Chà cùng với bán đảo Sơn Trà tạo thành cánh cung ôm lấy vịnh Đà Nẵng. Bây giờ đảo ấy thuộc Thừa Thiên - Huế và được một đơn vị bộ đội biên phòng bảo vệ. Cuối năm 2005, một công ty du lịch đã mở thí điểm tại đây khu du lịch thể thao biển.
Sau đó không hiểu vì sao điểm du lịch này đã ngừng hoạt động và hòn đảo ấy vẫn là viên ngọc thô nằm chờ mài giũa.
Hải Vân còn là tên của một ngọn đèo nổi tiếng trong lịch sử về sự hiểm nguy và chia cắt, nhưng sau khi mở xong hầm đường bộ đã trở thành cung đường du lịch thú vị.
Con đường đèo dài hơn 20km chạy quanh co trên những sườn núi chênh vênh ở độ cao 500m so với mặt biển đã được tờ báo The Guardian (Anh) bình chọn là một trong 10 cung đường ngoạn mục và cuốn hút nhất thế giới.
Chạy môtô qua con đèo ấy bất cứ lúc nào, sáng đẹp trời hoặc chiều mưa lạnh, dường như du khách nào cũng đều mơ tưởng đến những tour du lịch khám phá hay những cuộc đua kỳ thú.
Biển ở đảo Sơn Chà (còn gọi là đảo Ngọc), vẫn còn nguyên sơ - Ảnh: Đăng Nam
Hải Vân không của riêng ai
Vì lẽ đó, Hải Vân bát ngát nghìn trùng không thể của riêng ai. Hải Vân Quan không phải là di tích của Thừa Thiên - Huế hay Đà Nẵng, mà là di sản của VN. Đó là một hạng mục quan trọng trong hệ thống phòng thủ của kinh thành Huế, với Hoành Sơn Quan (ở đèo Ngang) phía bắc và Hải Vân Quan ở phía nam.
“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là danh xưng mà vua Lê Thánh Tông đã tấn phong “từ thuở mang gươm đi mở cõi” hơn 500 năm trước (năm 1470), khi mà núi non ấy chưa phân chia địa giới. Phải xem di sản ấy là của chung, cũng như cả vùng non nước Hải Vân là tài nguyên nước Việt, để cùng chung tay bảo tồn và khai thác giá trị lớn lao của nó, trong mối liên kết vùng mà mọi kế hoạch phát triển kinh tế miền Trung đều đã xác định.
Quy hoạch du lịch cũng đã xác định Bạch Mã - Lăng Cô - Hải Vân - Non Nước là vùng trọng điểm của du lịch quốc gia tại miền Trung. Vậy làm sao có thể xẻ đôi ngọn núi ấy như cách phân chia địa giới hiện nay!
Giả dụ Huế quy hoạch Hải Vân làm khu du lịch, nhưng Đà Nẵng lại quy hoạch đó là khu vực rừng núi đầu nguồn phải giữ nguyên trạng thì điều gì xảy ra?
Sự cố “World Shine trên núi Hải Vân” (một dự án du lịch của nước ngoài đã phải thu hồi đất vì nằm trong khu vực phòng thủ quốc gia) hồi cuối năm 2014 cho thấy sẽ còn tranh cãi nhau mãi nếu không khớp nối quy hoạch hai tỉnh thành với nhau.
* Theo sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn, vào năm 1602 chúa Nguyễn Hoàng đi chơi núi Hải Vân, thấy một dãy núi cao dài mấy trăm dặm nằm ngang giáp bờ biển, chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận - Quảng”.
Đến tháng 2-1826, vua Minh Mạng cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, ngạch trước khắc ba chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau khắc sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Tiếp đó, vua cho mở rộng con đường thiên lý bắc nam đi qua Hải Vân vốn đã có từ trước.
Đồng thời, vua Minh Mạng đã ban thưởng để khuyến khích dân chúng đến sinh sống ở đây, người nào muốn làm nhà để ở hai bên đường núi thì được miễn thuế thân, miễn đi lính, đi phu, nếu trồng trọt cũng miễn thuế, không đủ sức thì cấp vốn.
Khối núi Hải Vân là đoạn cuối cùng của dãy Trường Sơn Bắc đâm ra biển, tạo thành một hành lang xanh. Phần diện tích rừng giàu tài nguyên của Hải Vân thuộc về Vườn quốc gia Bạch Mã, phần còn lại là hai khu rừng phòng hộ Bắc và Nam Hải Vân.
Ngay dưới chân dãy núi là khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà rộng hơn 10.265ha với những giá trị đa dạng sinh học rất lớn, trong đó có 150 chủng loại san hô quý hiếm, có vai trò quan trọng về bảo tồn sinh thái và tài nguyên cho cả vùng duyên hải miền Trung.
Đồn lũy phòng thủ Hải Vân Quan được khắc trên Dụ Đỉnh - một trong chín đỉnh đồng, biểu tượng nền độc lập của nước VN - đặt tại hoàng cung Huế - Ảnh tư liệu
Hơn mười năm trước, khi hầm đường bộ Hải Vân khánh thành (ngày 5-6-2005), một vị lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng đây là một bước quan trọng để biến ý tưởng của Tổ chức JICA (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu chiến lược (VN) thành hiện thực: thành phố sinh đôi (twin city) Huế - Đà Nẵng.
Giờ đây, đường hầm Hải Vân đã rút ngắn thời gian Đà Nẵng - Huế (còn gần hai giờ xe chạy so với trước đây cả buổi), nối gần hơn con đường của doanh nhân và du khách. 6g sáng lên xe ở Huế thì 7g30 đã có thể ngồi họp tại văn phòng công ty ở Đà Nẵng.
Du khách thì ngày đi chơi ở Huế, tối về ngủ tại Đà Nẵng và ngược lại. Sắp tới, khi xa lộ cao tốc La Sơn (Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) hoàn thành (năm 2017) thì khoảng cách đó chỉ còn một giờ.
Đường đã mở và núi đèo đã không còn ngăn cách. Người Huế đang ao ước thành phố mình phát triển mạnh mẽ như Đà Nẵng, trong khi người Đà Nẵng lại thấy mình thiếu một không gian thơ mộng với những đền đài cổ kính như Huế.
Nhưng dù có muốn thì Đà Nẵng và Huế cũng không thể thay thế nhau được, chỉ có thể bổ sung cho nhau, tạo ra thế mạnh chung chứ không phải là “lợi thế cạnh tranh” của mỗi nơi.
Cuộc sống đang thúc giục hai đô thị ấy phải là “thành phố sinh đôi”. Điều đó càng thấy rõ hơn khi đi trên con đường Đà Nẵng - Huế lúc này. Đó là cung đường tấp nập người và xe, hàng hóa và du khách.
Một đại lộ phát triển và phát triển bền vững trên nền tảng của văn hóa - lịch sử. Trong cái nhìn rộng mở đó sẽ thấy Hải Vân không còn là bức tường ngăn cách, mà là một đại công viên trong lòng thành phố!
Tác giả bài viết: MINH TỰ
Nguồn tin: