Trong nước

Hai giám sát quan trọng lên bàn Thường vụ Quốc hội

Tùy theo từng nội dung của phiên họp sẽ mời một số cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin các nội dung họp công khai...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phần này báo chí được tham dự.

Theo chương trình đã được Chủ tịch Quốc hội quyết định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ bắt đầu phiên họp thứ 13 từ sáng 10/8 và bế mạc vào sáng 18/8.

Dự kiến cả ngày 15/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Bùng nhùng từ các dự án BOT giao thông là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm ở nhiều dự án theo hình thức này.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải trong buổi làm việc gần nhất với đoàn giám sát khi đề cập nguyên nhân của những hạn chế thì nguyên nhân khách quan được nêu nhiều hơn chủ quan. Trong nguyên nhân chủ quan có các bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa thực sự phối hợp tốt trong việc giải quyết bức xúc của dư luận.

Bộ chủ quản cũng cho rằng một số cơ quan báo chí phản ánh chưa toàn diện dẫn đến còn có nhiều cách hiểu khác nhau, gây những phản ánh trái chiều, tiêu cực của người dân.

Trong phiên giám sát tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát.

Sau đó, đại diện Chính phủ phát biểu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và thông qua nghị quyết.

Cũng nằm trong chương trình nghị sự là báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày báo cáo giám sát và đại diện Chính phủ phát biểu ý kiến.

Đây là nội dung sẽ được Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp cuối năm nay.

Như VnEconomy đã thông tin, dự thảo báo cáo kết quả giám sát trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp này đã đưa ra rất nhiều con số giật mình trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước những năm gần đây.

Chẳng hạn, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5. Ở Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2...

Hay, có những bộ sử dụng vượt với tỷ lệ rất cao từ 1/3 - 1/2 số biên chế được giao.

Kết quả giám sát còn chỉ ra những chi tiết khá "thú vị". Như, trong những nhiệm kỳ gần đây, vào đầu mỗi nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới đều sửa nghị định chung về chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ, soạn lại nghị định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó mới ra nghị định về từng bộ, thông tư liên tịch về từng sở.Nhưng, quá trình này kéo dài có khi đến hơn 3 năm trên tổng số 5 năm nhiệm kỳ Chính phủ.

Rồi, theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, do chưa thành lập được cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nên một số một số bộ, cơ quan ngang bộ hiện vẫn được giao thực hiện chức năng này.

Ví dụ, nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải vẫn quy định Bộ Giao thông vận tải thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật và được tổ chức Vụ Quản lý doanh nghiệp...

Bên cạnh hai chuyên đề giám sát nói chung, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật: Quản lý nợ công, Tố cáo (sửa đổi), Thuỷ sản (sửa đổi)...

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra vào sáng 16/8.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, sự tham dự của báo chí cũng có thay đổi đáng kể.

Phiên họp tháng 7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo chí chỉ được dự 5 phút đầu phiên khai mạc, sau đó chờ thông cáo báo chí. Các phiên trước đó thì báo chí được mời tham dự tất cả các nội dung công khai.

Lần này, Văn phòng Quốc hội thông báo, để bảo đảm để các thành viên tham gia phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phát biểu, trao đổi, thảo luận sâu các nội dung của phiên họp, tùy theo từng nội dung của phiên họp, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức mời một số cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin các nội dung họp công khai phù hợp với tôn chỉ, mục đích của các cơ quan thông tấn, báo chí và yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền về phiên họp.

Các phóng viên báo chí khi được mời tham dự, đưa tin các nội dung họp công khai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được tác nghiệp không quá 15 phút đầu giờ trong phòng họp của Ủy ban để lấy hình ảnh, sau đó sẽ tập trung theo dõi nội dung phiên họp tại Trung tâm Báo chí.

Báo chí không tham dự các nội dung họp riêng của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Văn phòng Quốc hội sẽ gửi thông cáo báo chí về các nội dung họp riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới các cơ quan thông tấn, báo chí và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Tác giả: NGUYỄN LÊ

Nguồn tin: Vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP