Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ khánh thành vào ngày 2/9. Ảnh:VEC |
Tuy nhiên, sự tập trung quá nhiều vào khu vực trung tâm thành phố khiến quỹ đất khu vực này trở nên ngày một khan hiếm, độ chênh lệch về mức sống, hạ tầng giữa khu vực phía Nam và phía Tây Bắc thành phố so với trung tâm Đà Nẵng ngày một cao.
Nhằm tạo sự phát triển toàn diện, cân bằng cũng như sử dụng có hiệu quả quỹ đất của khu vực phía Nam và Tây Bắc thành phố, chính quyền Đà Nẵng đã định hướng phát triển khu vực phía Nam Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, phía Tây Bắc Đà Nẵng sẽ là trung tâm công nghiệp - vận tải - logistics.
Theo Đề án quy hoạch của TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2035, khu vực phía Tây Bắc (Liên Chiểu) được định hướng phát triển thành vùng chiến lược, trung tâm công nghiệp của thành phố với hạ tầng hoàn chỉnh. Theo đó, Đà Nẵng đã quyết định hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm: Tuyến đường vành đai phía Tây với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020; nhà ga đường sắt mới (gồm ga hành khách và ga hàng hóa (tại Kim Liên - Hòa Hiệp Nam), cảng nước sâu Liên Chiểu….
Trong chuyến khảo sát, làm việc về tiến độ thi công của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hồi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể - yêu cầu các đơn vị thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn dang dở để khánh thành cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào ngày Quốc khánh 2/9. Điều này một lần nữa được lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định và cam kết với chính quyền TP. Đà Nẵng tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới đây do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức. Việc khánh thành tuyến cao tốc giúp hoạt động thông thương được thuận lợi, rút ngắn đáng kể thời gian, quãng đường di chuyển Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Dự án vành đai phía Tây cùng nhiều "đại công trình" sẽ tạo hệ thống giao thông kết nối liên hoàn, đồng bộ tuyến huyết mạch từ vành đai phía Nam, QL1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường La Sơn - Tuý Loan... Bên cạnh đó, lợi thế nằm ngay điểm giao thông cầu vượt Ngã Ba Huế, nối liền quốc lộ 1A đi vào trung tâm của thành phố, một mặt lại giáp biển Nguyễn Tất Thành cũng giúp khu Tây Bắc thành phố thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việc chính quyền thành phố dành nguồn lực phát triển hạ tầng tại khu vực Tây Bắc thành phố tạo đòn bẩy thúc đẩy bất động sản vùng ven phát triển mạnh mẽ. Thị trường BĐS khu vực Tây Bắc nhanh chóng xuất hiện hàng loạt dự án triển khai với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tạo sự sôi động chưa từng có. Theo thống kê, lượng giao dịch khu vực Tây Bắc tăng vọt so với hồi cuối năm 2017, cung cấp trên 3.000 sản phẩm đất nền, biệt thự, liền kề.
Thời điểm này, các dự án đất nền khu vực quận Liên Chiểu đang hút khách với giá giao động từ 12-17 triệu đồng/m2. So với các khu đô thị vệ tinh, những dự án khu vực này nổi bật với yếu tố sinh thái tự nhiên, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, safari…
Ngoài những khu đất bố trí tái định cư, thành phố cũng đấu giá những khu đất còn trống, thu hút người dân thành thị cũng như khách hàng từ các tỉnh lân cận. Sản phẩm đất nền tại một số dự án đang triển khai ở khu vực Tây Bắc có lượng giao dịch tốt. Quy hoạch kiến trúc bài bản, đầu tư hạ tầng đô thị cùng những lợi thế về vị trí, tầm nhìn phát triển kinh tế, sự hình thành các khu đô thị mới khang trang… tạo tiền đề cho khu vực Tây Bắc phát triển.
Tác giả: Vũ Lê
Nguồn tin: Báo Công thương