Giáo dục

Giáo viên tất tả với công việc “tay trái”

Nếu không có chỗ nguồn “viện trợ” từ gia đình, nhiều giáo viên phải xoay sở thêm đủ nghề tay trái để trang trải cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Sau mỗi tiết dạy, cô N.T.H., giáo viên dạy Văn tại một Trường THCS ở Gò Vấp, TPHCM lại tất tả đi giao hàng cho khách. Lâu nay, đồng nghiệp, học sinh cũng đã quen với hình ảnh cô H. đến trường lúc nào lỉnh kỉnh túi xanh, túi đỏ đựng hàng hóa để giới thiệu, chào hàng, giao hàng. Mọi người thông cảm và cũng thường xuyên ủng hộ mua hàng của cô H.

Giáo viên còn phải lo toàn nhiều về kinh tế ngay khi đứng trên bục giảng (Ảnh minh họa)


Cô H. bán đủ mọi thứ. Từ mỹ phẩm, nước lau sàn, đến đồ ăn như nem chua, hạt hướng dương, bánh kẹo… còn trái cây thì mùa nào, cô bán quả đó. Cô H. một mình nuôi con, chồng bệnh, nhà trọ đi thuê… nên cô không còn cách nào khác ngoài việc kiếm thêm để trang trải cho cuộc sống. Tổng thu nhập ở nghề giáo của cô gồm tiền lương, phụ cấp, tiền dạy buổi hai buổi khoảng 7 triệu đồng… Để trang trải nhu cầu cơ bản cho gia đình, cô buộc phải xoay sở thêm.

Cô H. tâm sự, thời gian đầu cô cũng ngại mỗi khi mời mọc mọi người, buôn bán này nọ. Dần rồi cô cũng "chai", mọi người xung quanh thấy bình thường, nhất là bây giờ, giáo viên đi bán hàng như cô H. không còn ít. Với nhiều người, chính việc làm thêm, có đồng ra đồng vào từ công việc “tay trái” họ mới có thể bám trụ được với nghề.

Gần 10 năm đi dạy, tổng thu nhập tất tần tật các khoản của cô Thanh Phương, một giáo viên tiểu học ở Củ Chi, TPHCM không đến 5 triệu đồng. Cô chăm lo cho cậu con với những nhu cầu cơ bản, những phát sinh trong sinh hoạt nhưng vẫn thiếu trước thiếu sau. Lâu nay, cô Phương cùng với mẹ hay nhận hàng thủ công về nhà làm thêm như đính cườm, gắn khuy áo, xếp hộp giấy…

Mới đây, cô Phương nhận đi dạy tại một lớp phổ cập buổi tối, từ thứ 2 đến thứ 6, ngày hai tiếng với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Cô Phương chia sẻ, từ khi đi dạy cho đến bây giờ, cô chưa bao giờ phàn nàn hay bất mãn với việc lương thấp bởi đây là việc là ai theo nghề đều rõ.

Điều cô tâm tư nhất là vì đồng lương thấp, nên bản thân cô cũng xoay sở ngược xuôi nhiều. Thành ra, đối với công việc dạy học, với học sinh, có nhiều dự định mà cô cũng không dốc được hết sức. “Với bản thân tôi, nếu lương cao hơn một chút thì mình sẽ làm được nhiều thứ cho học trò, cho công việc”, cô nói.

Giáo viên đi làm thêm, thậm chí là lấy nghề tay trái “nuôi” nghề chính là vấn đề được đề cập rất nhiều. Thế nhưng, cũng không nhiều người biết, sau những giờ lên lớp, những người thầy lại tất tả với nhiều công việc để kiếm thêm đồng ra đồng vào.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TPHCM) cho biết giáo viên ở trường mình nhiều cô làm thêm bằng bán hàng online, hùn vốn cùng mở quán trà sữa… Giáo viên nữ thì còn tranh thủ làm thêm công việc của bảo mẫu bán trú, còn các thầy làm thêm việc xếp bàn ghế, lau dọn lớp cho học sinh ngủ buổi trưa để có thêm thu nhập. Nhiếu giáo viên phải sống trọ, đồng lương thấp nên rất vất vả.

Theo bà Hà, những công việc làm thêm mà không liên quan đến chuyên môn của giáo viên thì ít nhiều đều ảnh hưởng đến công việc, thầy cô không dồn được hết tâm sức cho dạy học. Nhất là nghề giáo không còn nhàn hạ như trước đây, để có thể là một người thầy giỏi, họ sẽ phải đầu tư, dốc sức rất nhiều.

Giáo viên không thể dốc hết tâm huyết cho nghề là thiệt thòi cho học sinh và đất nước (Ảnh minh họa)


Nhiều người có cái nhìn chia sẻ, thông cảm hơn với giáo viên khi họ làm thêm nhiều công việc để có thu nhập. Nhất là bây giờ, không chỉ riêng nghề giáo, mà nhiều ngành nghề khác, mọi người cũng phải làm thêm này nọ để trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng, đối với thầy cô giáo, nhất là những người yêu nghề, tâm huyết thì việc làm thêm việc “tay trái” làm chính bản thân họ trăn trở rất nhiều. Thậm chí, với nhiều đó là bi kịch khi mà họ không thể dốc hết sức cho nghề nghiệp.

Còn với học sinh, với xã hội, ông Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, lương giáo viên thấp là một thiệt thòi cho học sinh, cho đất nước.

Hơn mọi ngành nghề, theo ông Minh, nhà giáo rất cần một cuộc sống bình an, yên tâm để có sự yêu đời, yêu nghề để thực sự có thể phát triển về tâm hồn cho học sinh. Nhưng thực tế bây giờ, các “kỹ sư tâm hồn” của chúng ta đang phải lo toan rất nhiều. Đứng trên bục giảng mà đầu óc phải suy nghĩ, phải lo toan về chuyện cơm áo nhiều.

Tiền nuôi con không phải từ đồng lương nhà giáo

“Mẹ tôi là giáo viên dạy Văn. Bà dạy Văn rất hay và viết tiểu thuyết… Bà là một giáo viên giỏi nhưng vất vả vô cùng. Hết giờ dạy, về nhà là thấy bà xắn quần xắn áo chăm heo, đẩy xe đi bán kẹo dạo…

Bà sống một đời sống vô cùng cực khổ. Hầu như tiền nuôi con ăn học không phải từ đồng lương nhà giáo. Nhà tôi có truyền thống nghề giáo nhưng chính mẹ tôi mong các con đừng theo nghề giáo. Sau này, khi tôi làm việc về lĩnh vực giáo dục, dạy học mẹ tôi buồn bã và thất vọng vô cùng" - Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ tại buổi tọa đàm “Người thắp lửa” mới đây

“Sau giờ dạy hoặc những ngày không có tiết tôi nhận bán hàng tại quán đồ “si” của một cửa hàng ở quận 12. Họ trả tiền cho tôi theo ca, tùy số giờ mình làm, mỗi tháng có thêm thu nhập 2 – 3 triệu. Và nếu không có khoản thu nhập thêm này, tôi rất khó xoay xở với đồng lương giáo viên để xoay sở cho con. Còn việc việc chuẩn bị bài vở, giáo án thì mình phải tranh thủ sau những giờ bán hàng” - Một giáo viên bậc THPT ở Hóc Môn, TPHCM

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP