Tôi ghé thăm Lâm Đồng vào những ngày đầu tháng 9, khi mà mùa mưa nơi đây đang vào độ cuối. Một ngày ở miền đất cao nguyên đi qua bốn mùa một cách ly kỳ: mới tối hôm trước còn là mùa thu mát lành xinh đẹp, qua sáng hôm sau đã gắt gỏng nắng hè, quá trưa thì lành lạnh còn chiều tối lại mưa gió rét mướt kiểu cuối mùa đông.
Giữa tiết trời đặc biệt như vậy, nếu chỉ quẩn quanh trong thành phố Đà Lạt nhỏ xíu mà chật ních khách du lịch thì có vẻ là hơi lãng phí. Vậy nên, tôi đã lựa chọn cho mình những trải nghiệm mới mẻ khi ghé chơi bản làng của người K’Ho - một bản làng khiêm tốn nép mình trên những triền đồi xinh đẹp tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương.
Điều thú vị ở các gia đình người K`Ho nơi đây là đều theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ nắm giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong mỗi gia đình. Nhà có khách ghé chơi, thông thường là do phụ nữ tiếp đãi. Ai từ xa tới muốn hỏi han và đề đạt chuyện gì đều phải thông qua ý kiến của người phụ nữ trụ cột trong nhà. Ngay cả khi anh chồng đã nhận lời ai chuyện gì nhưng chị vợ không vừa ý thì anh chồng cũng đành lựa cớ mà từ chối thôi!
Là tộc người chiếm tỷ lệ cao thứ nhì ở Lâm Đồng, người K’Ho có tính cách khép kín, ngại va chạm đặc trưng của con người xứ cao nguyên lạnh.
Nếu là một tay mê chụp hình hay là tín đồ của phong cách vintage, chắc hẳn bạn sẽ thích mê những ngôi nhà gỗ của người K’Ho.
Dẫu cho guồng quay đô thị hóa ngày càng bành trướng với tốc độ chóng mặt, thì người dân K’Ho vẫn gìn giữ cho riêng mình không gian sống tĩnh tại ôn hòa đáng mơ ước.
Họ sống trong những căn nhà gỗ nhỏ xinh, mỗi căn phủ lên một màu sơn sặc sỡ vô cùng thích mắt. Phần nhiều các ngôi nhà đều chỉ có một tầng, bé nhỏ ở giữa không gian bạt ngàn màu xanh mướt mát của nương ngô hay những cánh rừng cà phê. Ngay cả khi nghe không hiểu người K’Ho nói gì, thì tôi vẫn thấy trải nghiệm đời sống người dân nơi đây cũng là một điều đáng để thử khi tới Lâm Đồng.
Người K’Ho hiền lành, tử tế và hiếu khách. Họ chủ yếu mưu sinh từ công việc nương rẫy cổ truyền. Người lớn ngày ngày lên nương từ sớm, ngay cả lũ trẻ nếu không tới lớp cũng theo chân phụ giúp ba mẹ. Cùng với hai loại cây trồng chủ đạo là cà phê và bắp, người dân nơi đây còn nổi tiếng với nghề trồng trái hồng.
Ghé chơi thôn Đạ Blah trùng hợp đúng vụ hồng ra trái, nhóm chúng tôi may mắn được theo chân cô chú chủ nhà lên nương, vai đeo gùi nan, tay cầm cây sào dài để trẩy hồng. Thứ trái cây căng mọng sắc vàng mùa thu trĩu trịt dọc khắp đường dốc phía sau thôn, ấy thế mà dùng mắt thường lựa ra được những trái chín mềm thịt ngọt nước cũng không phải chuyện dễ dàng gì đâu! Thi thoảng bắt gặp trái chín mọng đỏ, thấy ngon mắt, chúng tôi không cầm lòng được mà lột vỏ nếm thử ngay tại vườn.
Quá trưa, chúng tôi lật đật vác chiếc gùi chất đầy trái hồng thơm thảo quay về ngôi nhà gỗ đẹp xinh, vừa đúng lúc trời sầm sập đổ cơn mưa rào trắng xóa. Giữa cái lạnh se sắt, chúng tôi túm tụm sưởi ấm bên bếp than đỏ hồng, nghe những người chủ nhà kể chuyện người K’Ho, nhân tiện xem họ nấu món cháo chua đựng trong bầu gỗ, dùng để mang lên nương ăn vào ngày hôm sau.
Người K`Ho sống bình dị, không màu mè và lặng lẽ giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Họ biết nói tiếng Kinh, nhưng vẫn ưu ái sử dụng ngôn ngữ của mình hơn.
Và khi màn đêm buông xuống, cũng chính là lúc họ thảnh thơi với hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Ngoài trời mưa vẫn đổ rét mướt, nhưng bên trong căn nhà sàn, các nam thanh nữ tú K`Ho vẫn say sưa nhảy múa quanh bếp lửa bập bùng. Tiếng cồng tiếng chiêng tưng từng réo rắt âm vang núi rừng, những gương mặt người phơi phới phấn khởi, những động tác nhảy nhót say sưa và hồn nhiên, tất cả đan cài vào nhau thật vừa vặn, dễ mến và biết bao là ấm áp.
Tác giả bài viết: Phong Kiều - Ảnh: Ruby – Hoan Seo