Với đúc kết nhiều năm, người dân vùng Tây Bắc rút ra một kinh nghiệm rằng, hễ năm nào hoa ban nở rộ, là năm đó thời tiết “Mưa thuận, hóa hòa, mùa màng bội thu”. Cũng có lẽ từ quan niệm đó, mà nơi đây đã hình thành “Lễ hội hái hoa ban”.
Búp hoa ban mới chớm nở tựa như nét mềm mại của người con gái.
Hoa ban là cây thân gỗ, có sức sống mãnh liệt, vốn thường mọc trên núi cao hay trong khe sâu. Hoa có 5 cánh, hình cánh bướm và rất nhiều màu như trắng, màu tím, hồng, đỏ... Trong tiếng Thái, “Ban” có nghĩa là “ngọt”; “hoa Ban” nghĩa là “hoa ngọt”.
Từ lâu, hoa Ban Tây Bắc đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, đặc biệt là dân tộc Thái. Hơn thế, hoa Ban đã đi vào kho tàng văn học nghệ thuật tượng trưng cho vẻ đẹp lý tưởng tâm hồn và tính cách con người Tây Bắc.
Mùa xuân ở Tây Bắc có một vẻ đẹp riêng, lung linh của hoa Ban, của cây rừng thay da đổi áo và vẻ đẹp lấp lánh của mùa vui chơi, hội hè. Vào ngày hội, từ sáng sớm, khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng. Người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Ăn uống no say, mọi người cùng nhau ra rừng để tìm những bông hoa Ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu. Vì người Thái cho rằng, hoa ban trinh trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu đôi lứa của người Thái.
Hoa Ban Tây Bắc không chỉ mang vẻ đẹp trinh bạch của núi rừng, mà còn đi vào đời sống ẩm thực của người Thái. Đặc biệt là sự độc đáo, tinh xảo cùng những kinh nghiệm dân gian chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người qua ăn uống. Người Thái có nhiều món ăn ngon được chế biến từ hoa ban, lá ban non, quả ban già, người ta chế biến thành những món ăn vừa ngon, vừa bổ như: Hoa Ban hầm móng giò, hoa ban xào thịt lợn rừng, hoa ban đồ, hoa ban nộm củ riềng…
Ngày nay, hoa ban được đưa về trồng ở nhiều nơi, nhiều tuyến phố của các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định… Bắt gặp những cánh hoa ban Tây Bắc trên các tuyến đường Hà Nội vào những ngày này, đã khiến không ít người con miền Tây Bắc xốn xang nhớ về quê hương, nhớ về mùa lễ hội…
Tác giả bài viết: Việt Tùng