Thị trấn Sapa
Khi đặt chân tới Sapa, nếu những mịt mù khói sương bao trùm thị trấn, những dãy núi trùng điệp ẩn hiện trong những tảng mây lớn lảng bảng trôi là ấn tượng thiên nhiên đầu tiên dành cho du khách, thì có lẽ sự bạo dạn của người dân tộc nơi đây lại là điểm nhấn khó quên về con người. Sapa được người Pháp phát hiện và đưa vào khai thác, xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, thế nhưng những dân tộc thiểu số nơi đây dường như không bị mai một những bản sắc riêng. Những cụ bà người H’Mông hay những phụ nữ tay xanh xám nhuộm chàm, vai địu con nhỏ đều có thể thoải mái, không ngại ngùng đi lại trong thị trấn khi mang trang phục truyền thống và giao tiếp với du khách chứ không “ẩn” mình ngại ngùng như nhiều nơi khác.
Nếu đi sâu vào các điểm du lịch tập trung người dân tộc thuộc vùng núi phía Bắc… người ta có thể nhìn thấy người dân tộc, nhưng chẳng thể giao tiếp được vì hầu như họ không dùng tiếng Việt, thì khi đến với Sapa, du khách có thể trò chuyện và tìm hiểu thông tin thông qua những đại sứ du lịch đến từ các bản xung quanh Sapa. Họ thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh, là cầu nối để dẫn du khách tới những vùng bản chứa đựng cuộc sống thú vị của các dân tộc nơi đây. Thậm chí, đã có thời gian, du khách lên đây nhìn thấy khá nhiều trẻ con dân tộc nhưng tóc vàng, mắt xanh, nói tiếng Anh như gió.
Bởi vậy, điều gì cũng có hai mặt của nó, sự hồn nhiên của người dân tộc nơi đây lại đang bị nhuốm màu “Kinh hóa” khi họ tiếp xúc thường xuyên với du khách từ mọi nơi đổ về, và cũng vì thế mà cái khôn ngoan, lọc lõi trong mua bán, trao đổi đang lấn dần sự hồn hậu trước đây của những người H’Mông nhỏ bé. Vậy là từ người già và đặc biệt là trẻ nhỏ, bám theo du khách hàng cây số, dí những sản phẩm dân tộc (trong đó có cả hàng Trung Quốc) vào người du khách như thể bắt khách du lịch phải mua hàng, thậm chí, lũ trẻ con còn nài nỉ, ỉ ôi cho đến khi khách phải rút tiền ra mua cho chúng thứ gì đó thì mới chịu đi. Nhưng hỡi ôi, thế đâu đã xong, vừa mới mua cho một đứa là lập tức cả dàn lũ trẻ xông vào bắt mua tiếp cho chúng, rồi nói dỗi: “Mua cho nó mà không mua cho cháu, thế là người không tốt!”… khiến cho du khách cảm thấy không thoải mái với sự gò ép thái quá này. Hành động này đã trở thành một điểm trừ trước cảnh đẹp lãng mạn của Sapa khiến nhiều du khách lưỡng lự khi muốn quay trở lại nơi đây.
Sản phẩm thủ công màu mè bày bán trong các bản có đúng là của người dân tộc làm ra?
Việt Nam không phải là thiếu những điểm du lịch vùng núi với những dân tộc thiểu số thú vị, nhưng Sapa vẫn luôn được mọi người biết tới và chọn đi nhiều hơn cả vì giao thông đang ngày càng thuận tiện, chỉ với 6 tiếng ô tô đường nhựa êm đẹp là đã tới Lào Cai, hơn nữa, bản sắc Sapa đã khiến nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay, khách sạn thì mọc chi chít, họ phá rừng, phá núi để xây nhà. Cả thị trấn giờ như một cái chợ, một công trường. Chợ Tình giờ đã bị xóa sổ, dân tộc phải vào bìa rừng để họp chợ giao duyên. Chợ Tình họp mỗi tối giờ chỉ là diễn và xin tiền, cáp treo xây lên lủng lẳng phá đi nét đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Hàng bán nhan nhản nhưng chủ yếu là hàng tàu, các đặc sản của Lào Cai giờ như không còn chưa kể đến nạn chặt chém, và nếu cứ theo đà phát triển du lịch kiểu này, rất có thể “cái hồn của Sapa” đến một ngày sẽ bay theo sương khói.
Để Sapa “mất hồn” cũng có một phần lỗi không nhỏ ở du khách khi đổ dồn về đây quá nhiều, phần nào làm vấy bẩn cái không khí lãng mạn, trong trẻo của Sapa, để rồi khách sạn quá đông cũng đâm ra “chặt chém”. Người Kinh lên đây quá nhiều để kinh doanh khiến mảnh đất của người dân tộc bị thu hẹp mà đời sống của họ cũng chẳng khấm khá lên là bao, chẳng trách họ phải đeo bám du khách là vậy.
Tác giả bài viết: Tâm Lục