Là điểm đến mới nổi tại Đông Nam Á, Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng về du lịch, thế nhưng Việt Nam phải đối mặt nhiều vấn đề về phát triển kém bền vững trong khai thác tài nguyên, văn hóa phục vụ du lịch cũng như môi trường.
Tài nguyên du lịch bị tàn phá
Tại Diễn đàn Du lịch xanh được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chiều 27-3 ở Hà Nội, GS Nguyễn Kim Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường du lịch, như: tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật.
Du khách nước ngoài tham quan vườn cò Bằng Lăng ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ Ảnh: NGỌC TRINH |
Theo ông Đính, ngày càng nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ. Chưa hết, sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa chủ thể kinh tế với các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ đã dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích.
GS Đính nhấn mạnh những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. "Đó là nguy cơ chính đối với ngành du lịch thời gian tới" - ông lo ngại.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cũng có chung quan điểm này. TS Tuấn nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu; các khu vực tập trung nhiều hoạt động du lịch như Hội An, Cà Mau, Mũi Né, Huế… đã và đang phải đối mặt những khó khăn như sạt lở, nước mặn xâm nhập, bờ biển bị xâm thực, mưa lũ... Ông Tuấn dẫn chứng nhiều hoạt động của các khu resort, khu du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải đóng cửa, vì các vấn đề thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Cần sớm có tiêu chí du lịch xanh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng khẳng định phát triển du lịch xanh đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn, trong đó có Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương là giải pháp để nước ta phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tùng thừa nhận việc triển khai cụ thể những nội dung trên như thế nào, phương thức ra sao, việc chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình du lịch xanh điển hình… là những vấn đề then chốt cần được giải đáp.
GS Nguyễn Kim Đính cho biết thời gian qua, du khách đến Việt Nam có xu hướng chọn các tour, khách sạn bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. "Đó là xu hướng của khách quốc tế, nhất là du khách đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn và sức khỏe, ngày càng nhiều người muốn quay về với thiên nhiên" - GS Đính nhận xét.
"Phải nâng cao nhận thức cho cả nhà quản lý, ngành du lịch lẫn doanh nghiệp (DN) và cộng đồng về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh. Nhận thức cần phải được biến thành hành động cụ thể trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, trong thẩm định và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ cấp trung ương đến địa phương" - GS Đính nhấn mạnh, đồng thời đề nghị nhà nước cần có chính sách khuyến khích tăng cường tính "xanh" trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, cũng như các dịch vụ du lịch ứng dụng năng lượng gió, mặt trời, sử dụng vật liệu tái chế, chế biến rác thải; giảm thiểu tiêu hao xăng dầu trong giao thông, tiêu dùng… Ngoài ra, cần ban hành "bộ tiêu chí du lịch xanh", trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các DN du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour du lịch xanh", "khách sạn xanh", "nhà hàng xanh", "khu nghỉ dưỡng xanh"…
TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng các DN trong ngành du lịch Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Vì thế, việc áp dụng tăng trưởng xanh trong xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch là một lợi thế.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động