Du lịch

Du lịch Việt và bài toán 'thu đến đồng tiền cuối cùng của du khách'

"Hãy học Thái Lan, Malaysia, Singapore... hay Trung Quốc cách làm du lịch. Vì sao họ có thể vét tới đồng tiền cuối cùng của du khách, trong khi người ta tới Việt Nam một lần không muốn quay lại”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

Trăn trở đồng thời là “đơn đặt hàng” nêu trên được Phó thủ tướng đặt ra đối với lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch tại hội nghị góp ý cho bản đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 15/7.

Theo bản đề án được Bộ trưởng Bộ Thể thao, Văn hoá & Du lịch trình bày, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 khá tham vọng. Cụ thể, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đại, cạnh tranh được với các nước trong khu vực, thế giới và hướng tới mục tiêu trở thành ngành du lịch phát triển sau đó 10 năm.

5 năm tới, Việt Nam kỳ vọng thu hút 14-15 triệu du khách với 600.000 buồng tại cơ sở lưu trú. Ngành này đóng góp khoảng 9-10%GDP, tốc độ tăng trưởng 14-15% một năm và tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có hơn 1 triệu việc làm trực tiếp …

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói thẳng rằng khách quốc tế đến Việt Nam sợ nhất bị chèo kéo, chặt chém; hạ tầng giao thông xuống cấp, quá tải và ô nhiễm môi trường. “Tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng do không được bồi bổ nên tài nguyên đang ngày một kiệt dần”, Phó thủ tướng băn khoăn.


Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải xác định du lịch là một ngành kinh tế mới có thể đưa ngành này thành mũi nhọn trong tương lai. Ảnh: VGP

“Đi nước ngoài mới thấy họ biết cách vét sạch tiền của mình tới đồng cuối cùng. Không có điểm vui chơi giải trí nào không hướng tới khu mua sắm. Bài toán vẫn là tư duy hết. Vì họ coi du lịch là ngành vui chơi giải trí chứ không phải ngành kinh doanh”, Phó thủ tướng nói.

Theo ông Huệ, Việt Nam không phải học đâu xa, bởi cứ nhìn vào Thái Lan, Malaysia hay Singapore... sẽ thấy cách họ làm du lịch. "Vì sao họ có thể thu tới đồng tiền cuối cùng của mỗi du khách, trong khi ở Việt Nam, khách tới một lần không muốn quay trở lại. Ngành du lịch cần khởi đầu lại cho một thời kỳ mới", lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.

Không chỉ riêng Phó thủ tướng, nhiều lãnh đạo các địa phương cũng tỏ ra nóng ruột trước sự ì ạch của ngành du lịch Việt Nam.

Ông Đặng Việt Dũng, - Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng không ngần ngại chỉ ra hàng loạt điểm yếu: sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhiều địa phương chỉ “chăm chăm” phát triển di sản mà thiếu sự sáng tạo đưa ra sản phẩm du lịch có sức hút, độc đáo. Dẫn ra hàng loạt ví dụ việc quảng bá, xúc tiến “tỉnh nào biết tỉnh đó”, ông Dũng buồn rầu cho rằng đáng lý ngành du lịch phải đến nước bạn để kéo họ tới Việt Nam, thì với kiểu xúc tiến hiện tại, khách Việt lại đang vô tình làm giàu cho nước họ.

Vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng cần xã hội hoá phát triển du lịch với sự tham gia của người dân, toàn xã hội, chứ không phải chỉ chú tâm thành lập quỹ này, hội kia trong khi công tác xúc tiến “mười năm vẫn y nguyên”.

“Điều mà các nhà quản lý du lịch cần quan tâm là phải huy động được người dân, từ ông lái taxi tới nông dân... làm du lịch. Điều này tưởng dễ nhưng tới giờ vẫn còn lúng túng”, ông Dũng thẳng thắn.

Xã hội hoá hoạt động du lịch là cần thiết, song ông Nguyễn Xuân Bình - Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng băn khoăn trước hiện tượng dùng tiền Nhà nước “xả láng” trong tổ chức nhiều lễ hội như vừa qua. Lo ngại này của ông Bình nhận được sự đồng tình từ phía Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ông nói: “Tôi rất sợ kiểu các lễ hội tổ chức khắp mọi nơi tốn không biết bao nhiêu tiền của ngân sách, nhưng khoản thu lại cho Nhà nước hầu như là con số 0”.

Từ thực tiễn của Hải Phòng, ông Bình chia sẻ rằng tiềm năng du lịch Việt Nam đã quá rõ, nhưng giờ không chỉ nhìn vào tiềm năng mà cần thấy thực tế về sự tụt hậu để có giải pháp “trúng”. Yếu tố phối hợp liên ngành, chỉ ra đâu là vùng trọng điểm, trung tâm du lịch có tính liên kết vùng... được vị lãnh đạo Hải Phòng nhắc tới như là mắt xích quan trọng phát triển hoạt động du lịch.

“Một di sản thiên nhiên hình thành cả triệu năm, nhưng quản lý không thống nhất, không có sự gắn kết với nhau thì di sản cũng sẽ bị lãng quên”, ông Bình nói và nhấn mạnh tới vai trò “nhạc trưởng” trong điều phối, quản lý của cơ quan chức trách – Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Tổng cục du lịch...


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải định hình rõ sản phẩm du lịch, giải quyết rốt ráo "chuyện nội bộ" thì mới mong ngành này phát triển.

Là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của ngành du lịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn không phải là vấn đề mới, chính là ở cách thức thực hiện. Nêu hạn chế của ngành hiện nay vẫn là cách thức tổ chức nghèo nàn nên khách quốc tế có "6 nỗi sợ" khi tới du lịch tại Việt Nam. Phó thủ tướng cho rằng nếu đã quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đưa ra gỉai pháp sát thực: định hình rõ sản phẩm du lịch, giải quyết rốt ráo chuyện “nội bộ” về xúc tiến du lịch ra sao...

Góp ý kiến vào bản đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch cần “gút” lại vấn đề quan trọng: Phải coi du lịch trước hết là một ngành kinh tế, chứ không đơn thuần chỉ cung cấp dịch vụ; phải tuân thủ nguyên tắc và quy luật thị trường. Du lịch phải tạo ra lợi nhuận chứ không trông chờ bao cấp từ Nhà nước. Ngoài ra, đề án cũng cần chỉ rõ việc xây dựng một số trung tâm du lịch thành “điểm phải đến không thể bỏ qua” của du khách mới tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt...

“Visa là một chuyện, quỹ két là một chuyện thôi. Chưa nhận thức du lịch là một ngành kinh tế, từ trung ương tới địa phương vẫn nặng tư tưởng bao cấp trong du lịch, thì khó mà phát triển chứ chưa nói tới có thành mũi nhọn hay không”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ quả quyết. Đồng thời ông cũng lưu ý: “Quốc gia xây dựng du lịch là ngành mũi nhọn chứ không phải các tỉnh, thành cũng “đua” theo, biến thành phong trào xây dựng du lịch là mũi nhọn ở khắp nơi”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP