Chị Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) phản ánh với Zing.vn, bạn chị - anh Chris (quốc tịch Mỹ) - khi tham quan phố cổ Hà Nội bị một nhóm thanh niên bủa vây. Nhóm này giật đôi dép tông, tự ý dán đế rồi đòi anh 850.000 đồng. Sự việc khiến cộng đồng bức xúc và lo ngại du lịch Việt sẽ mất dần khách nếu tình trạng tái diễn.
Chuyện không mới
Vào tháng 10/2015, Zing.vn đăng tải bài điều tra về đội quân đánh giày kiểu trấn lột ở phố cổ Hà Nội, trong đó, du khách bị các thanh niên lao ra lột giày dép đem khâu và phải trả giá... 900.000 đồng.
Chuyện không mới
Vào tháng 10/2015, Zing.vn đăng tải bài điều tra về đội quân đánh giày kiểu trấn lột ở phố cổ Hà Nội, trong đó, du khách bị các thanh niên lao ra lột giày dép đem khâu và phải trả giá... 900.000 đồng.
Nam du khách to tiếng khi bất ngờ bị rút dép lúc đang đi dạo ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Duy Hiếu.
Trên các chuyên trang du lịch quốc tế, như TripAdvisor, hay blog cá nhân của các du khách đã đến Việt Nam cảnh báo về trò lừa đảo này đã xuất hiện từ năm 2010. Du khách Neill Smith chia sẻ trên trang Traveller: “Trò lừa đảo gần đây nhất là những thanh niên đánh giày tự ý lột dép của bạn và bảo cần phải sửa. Trong tích tắc, họ sẽ cho keo vào dép. Khi tôi bảo dép vợ tôi còn tốt, họ xuyên một sợi chỉ vào và một người khác cầm đầu kia để tôi không thể giằng ra mà không làm đứt dép. Sự cố đó không làm giảm đi giá trị của quốc gia tuyệt vời này, nhưng tốt hơn là bạn nên dè chừng”. Nhiều du khách không dễ tính như vậy. Việc bị “chặt chém” giá sửa dép lên tới cả triệu đồng khiến họ khó chịu, thậm chí không muốn quay lại Việt Nam.
Các độc giả đều rất bức xúc trước tình trạng này. Bạn Chung Đặng cho biết: “Con sâu làm hỏng nồi canh rồi. Mình là người Việt Nam, nhìn thấy như vậy còn sợ và xấu hổ huống hồ, là khách quốc tế”. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc công ty du lịch Helloworld cho rằng, những trường hợp lừa đảo như vậy cần phải xử lý mạnh hơn phạt hành chính, để có tính răn đe cao hơn.
Phố cổ là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế khi đến Hà Nội, tuy nhiên họ gặp phải nhiều chướng ngại khi tham quan, khám phá ăn hóa và ẩm thực Việt Nam. Ngoài đội quân đánh giày, du khách còn phải vượt qua những người chèo kéo bán hàng rong, phụ nữ ép họ đeo quang gánh chụp ảnh để đòi tiền hay nài mua hàng. Các quán ăn tăng giá nhiều lần khi bán cho người nước ngoài. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng khó xử lý vì ít du khách phản ánh khi gặp phải tình huống này.
Dịch vụ kém sẽ mất khách
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng du lịch lớn, với nhiều địa danh nổi tiếng thế giới như hang Sơn Đoòng, phố cổ Hội An, Tây Bắc hùng vĩ, Hà Nội, TP HCM, miền Tây sông nước, các di sản ở miền Trung... Thiên nhiên ban cho Việt Nam những bãi biển dài tuyệt đẹp, hang động kỳ vĩ, núi non trùng điệp, cùng nền văn hóa và ẩm thực đặc sắc do bàn tay con người tạo ra.
Đó là những điều kiện đáng mơ ước so với nhiều quốc gia, nhưng chất lượng dịch vụ du lịch ở Việt Nam vẫn còn khiến nhiều du khách không muốn quay trở lại. Từ những điều cơ bản như phương tiện đi lại, tới cơ sở lưu trú, vệ sinh các điểm tham quan... đều còn nhiều yếu kém, đặc biệt trong đó phải nói đến ý thức làm dịch vụ của cá nhân hay các đơn vị nhỏ lẻ, hướng tới lợi ích riêng thay vì phát triển bền vững, lâu dài. Cảnh đẹp có thể thu hút du khách, nhưng chính con người và chất lượng dịch vụ sẽ khiến họ yêu mến và quay lại. Nếu không cải thiện tình trạng chặt chém, lừa đảo, làm ăn kiểu chộp giật, tương lai du lịch Việt Nam sẽ khó lòng phát triển.
Du khách bị chèo kéo ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet.
Một nhà báo Du lịch tại TP HCM chia sẻ với Zing.vn: “Cách đây vài tháng, một nhóm bạn bè tôi là người Nhật đến Việt Nam. Họ có kế hoạch phượt cung đường Tây Bắc trong một tháng và nhờ tôi thu xếp thuê hay mượn xe máy. Xe để phượt không đơn giản và địa hình khu vực này cũng phức tạp, nên tôi quyết định chọn loại xe số của một hãng có tiếng. Xe dễ chạy, dễ sửa, dễ thao tác. Trước khi họ xuất phát, tôi nhắc thay nhớt định kỳ tại các trung tâm bảo hành của hãng này”. Tuy nhiên, tới thời điểm phải thay nhớt, chị nhận được cuộc điện thoại khẩn từ một người trong nhóm, cho biết họ phải trả 1 triệu đồng một xe, dù chỉ thay nhớt.
Chị kể: “Tôi cũng không ngờ việc đến như thế nên tìm số điện thoại rồi gọi cho trung tâm. Tôi nói rất rõ mọi việc, xong người nhận nghe máy vẫn nhất nhất yêu cầu số tiền phải thanh toán cho việc thay nhớt là 4 triệu đồng cho 4 xe".
Chị thuyết phục rồi lớn tiếng, song nhân viên ở đây vẫn khăng khăng bắt những người bạn ấy phải trả đúng số tiền mới được lấy xe. Vừa ức cách làm việc, vừa xấu hổ với bạn bè, chị đành đề nghị họ trả số tiền trên và yêu cầu biên lai. Nhưng trung tâm bảo dưỡng từ chối viết biên lai.
Tình trạng này còn tiếp diễn nhiều lần tại các cửa hàng, quán ăn. Trước khi về, những người bạn Nhật nói: “Việt Nam đẹp thật, nhưng chúng tôi sẽ không quay lại một lần nào nữa”.
Chị Huyền Trang cũng nhận định: “Tình hình tương tự xảy ra ở rất nhiều quốc gia. Du khách đi châu Âu luôn nhắc nhở nhau phải cẩn thận, vì lừa đảo và cướp giật rất nhiều, kể cả báo cảnh sát cũng ít được giải quyết. Tuy nhiên, châu Âu vẫn là điểm đến mơ ước của rất nhiều người, luôn luôn đông khách, bởi cựu lục địa được coi là nơi đáng đến".
Theo chị Trang, Việt Nam chưa đạt được độ “hot” đó, và du khách có nhiều lựa chọn khác. Nếu nhận được thông tin hay cảnh báo của các khách du lịch từng đến Việt Nam, các du khách tiềm năng sẽ cân nhắc chọn các quốc gia lân cận thay thế và số lượng khách cầu toàn sẽ giảm đi. Chính vì thế, để thu hút nhiều khách quốc tế tới Việt Nam, chúng ta phải cố gắng, không để xảy ra những tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, đến du khách.
Tác giả bài viết: Hoàng Linh - An Huỳnh