Vài năm nay, vẻ đẹp của ruộng bậc thang, các mùa hoa ở Tú Lệ, Mù Cang Chải, Sa Pa, Điện Biên, Sơn La, Mộc Châu, Mai Châu… xuất hiện tầng số dày trên các phương tiện truyền thông. Lượng du khách đến đây tăng vọt. Nhờ vậy, vùng đất Tây Bắc cũng dần hiện diện trên bản đồ du lịch Việt và được khách quốc tế quan tâm.
Hoa mận nở trắng Mộc Châu những ngày giáp Tết 2015. Ảnh: Vũ Minh Quân.
Trải nghiệm phong phú
Vùng núi phía Bắc có rất nhiều điểm tham quan, đáng chú ý nhất là bốn điểm Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên Phủ (Điện Biên) - Tây Bắc; và cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - Đông Bắc.
Trao đổi với Zing.vn, bà Liên Hương, Giám đốc Truyền thông Công ty Vietravel cho biết, lượng khách năm đang ký tour vào năm 2016 hiện nay tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Hãng lữ hành Fidotour, Bến Thành Tourist, Sài Gòn Tourist, Du lịch Việt, Blue Sky Travel... cũng có lượng khách đăng ký tour Tây Bắc tăng hàng năm. Các con số này chưa tính đến lượng lớn khách du lịch tự túc.
Các trải nghiệm tại đây gồm thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên với các hoạt động như chinh phục những cung đèo nguy hiểm, sà mình vào mây, cảm nhận không khí lạnh hiếm có; tham gia du lịch sinh thái hay du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa - lối sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc thông qua các hoạt động như thăm bản làng dân tộc, thăm chợ vùng cao, thăm ruộng bậc thang, homestay.
Lớp sương tạo thành đám mây nhẹ nhàng quẩn quanh trên những mái nhà, ngọn đồi. Ảnh: Mèo Già.
Thiếu nhiều nên chưa thể phát triển
Ngoài thế mạnh về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế khiến du lịch của vùng này chưa phát triển xứng tầm.
Đường xá lẫn phương tiện di chuyển rất hạn chế, gây khó khăn và hoang mang cho du khách cùng các hãng lữ hành. Nhiều điểm tham quan như đồi chè Mộc Sương (Mộc Châu), đồi chè trái tim... chưa có đường vào, hay đường vào chưa được đầu tư đúng mức khiến việc di chuyển, thưởng ngoạn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc sửa sang các khu du lịch không đúng như việc bê tông hóa phố cổ Đồng Văn cũng khiến cho nét đặc sắc nơi đây ảnh hưởng ít nhiều.
Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ như cơ sở lưu trú, nhà hàng tại đây sơ sài và chất lượng thấp. Dịch vụ du lịch, mua sắm hay vui chơi chưa thật sự đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Chị Vân sau khi tham gia chuyến đi 7 ngày tại đây chia sẻ: "Buổi tối đầu tiên chúng tôi còn háo hức, các tối sau vẫn quanh quẩn với thưởng thức đặc sản và ngủ, khiến cả nhóm phát cuồng".
Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc phòng Du lịch trong nước Công ty Fiditour nói: "Việc thiếu thốn cơ sở vật chất cũng dẫn đến tình trạng quá tải khách vào mùa cao điểm, lễ hội tại một số điểm du lịch nổi tiếng như Đồng Văn, Sa Pa, khu di tích lịch sử đền Hùng…".
Ngoài ra, việc thiếu bản sắc riêng tại mỗi điểm tham quan cũng cản trở nhiều đến việc phát triển du lịch. Ông Nguyễn Ngọc An chia sẻ: "Hiện nay, các bản du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử tại Tây Bắc khá tương đồng. Điều này dễ mang đến cảm giác lập lại nhàm chán". Ông cũng nhấn mạnh, sự lan tràn sản phẩm thổ cẩm xuất xứ Trung Quốc ở Sa Pa hay nạn xin quà của trẻ em ở dọc đường hiện nay sẽ làm ảnh hưởng hình ảnh du lịch.
Ông Ngọc An cho rằng, để du lịch trở thành ngành mũi nhọn, Tây Bắc cần phải có sự quy hoạch và đầu tư đúng đắn từ chính quyền, các công ty lữ hành du lịch và người dân địa phương. Thời gian qua, các tỉnh đã chủ động đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng cường công tác trao đổi, tiếp xúc và mời nhiều cơ quan đại diện ngoại giao, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các nhà đầu tư lên thăm, làm việc, tìm hiểu địa phương.
Ngoài ra, các địa phương và các công ty du lịch cần phối hợp để xây dựng thương hiệu và những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của từng vùng, ví dụ như thưởng thức ẩm thực người Thái, khám phá không gian văn hóa người Mường, các tour đi bộ trekking và nghỉ đêm homestay tại các bản của đồng bào dân tộc…
Tác giả bài viết: Huỳnh Hằng