Trong một cuộc khảo sát năm 2006, 36% số người được hỏi tin rằng có ma và 20% nghĩ mọi người có thể giao tiếp với người chết. Điều này góp phần lý giải vì sao nhiều người dành thời gian nghỉ ngơi để thăm thú những địa điểm nổi tiếng bị ma ám. Những tour du lịch ma ra đời nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ của du khách.
Du lịch ma ở Mỹ
Stephen Hummel muốn làm nghề bán xúc xích trong một thị trấn ven sông cổ kính bên dòng Ohio. Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, thị trấn Moundsville, bang West Virginia trở nên hoang vắng vì ngành công nghiệp nuôi dưỡng nó sa sút. Người dân rời tới nơi khác để tìm việc làm. Những người ở lại thị trấn làm việc tại hai mỏ than gần đó. Cuộc sống trở nên đìu hiu, buồn tẻ, WSJ đưa tin.
Từng rời bỏ quê hương rồi trở về và mưu sinh bằng đủ thứ nghề, bao gồm cả nghề bán xúc xích nhưng cuộc sống của Hummel chưa bao giờ khá giả. Quán cà phê anh mở với số tiền giúp đỡ của người thân cũng không đem lại khoản thu nhập ổn định. Trong lúc bế tắc, Hummel nhận ra mình có tiềm năng đặc biệt là nhìn thấy những hồn ma vất vưởng chốn nhân gian.
Say mê những điều huyền bí giúp Hummel trở thành hướng dẫn viên du lịch tại một nhà tù cũ ở địa phương, nơi bị ma ám. Nó giúp anh có được những khoản thu nhập đáng kể. “Tôi nhìn thấy rất nhiều thứ. Bóng của người nào đó in trên tường hay tóc mình bị giật”, Hummel chia sẻ về những điều kỳ lạ mà anh phải trải qua ở nhà tù bị “ma ám”.
Nhà tù ở Moundsville có những tháp canh giống lâu đài cổ. Nó đi vào hoạt động năm 1866 và đóng cửa năm 1995. Đây là nơi giam giữ những tên tội phạm bạo lực và điên rồ nhất. Theo thống kê, khoảng 1.000 tù nhân đã chết bên trong nhà tù, bao gồm 104 người bị hành quyết. Chiếc ghế điện, biệt danh Old Sparky, đang trở thành vật trưng bày trong nhà giam này.
Nhà tù cũ ở các thị trấn hẻo lánh thường là thánh địa của những người yêu thích điều huyền bí. Chúng thu hút đông đảo du khách tới thăm mỗi năm, kéo theo những nguồn tiền dồi dào. Khao khát nhìn thấy ma hay cảm giác kích thích khi nghe những câu chuyện đáng sợ lôi cuốn những người hiếu kỳ vào các tour du lịch ma quỷ.
Những thị trấn nhỏ như Moundsville thường sở hữu lợi thế ít người ngờ tới, giúp hồi sinh cả cộng đồng vốn từng phồn thịnh, đó là du lịch săn ma. America Haunts, một hiệp hội thương mại ở Mỹ, ước tính, có khoảng 1.200 công trình bị ma ám ở Mỹ. Chúng mang lại doanh thu khoảng 500 triệu USD. Số tiền thu được từ những ngôi nhà ma ám tăng gấp đôi so với 1 thập kỷ trước đó.
Du lịch săn ma càng trở nên nổi tiếng bởi các chương trình truyền hình đông người theo dõi. Những thợ săn ma sử dụng công cụ hiện đại nhất để phát hiện dấu hiệu lạ tại những nơi bị coi là ma ám. Âm thanh, hình ảnh hay những thay đổi trên thiết bị đo lường điện tử khiến nhiều người tin tưởng hơn vào sự tồn tại của hồn ma.
Du lịch ma lan mạng khắp thế giới
Không chỉ tại Mỹ, du lịch ma đang ngày càng trở nên phổ biến ở Australia. Những chương trình truyền hình góp phần lan tỏa những câu chuyện liêu trai tới mọi người, tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp ma bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là tại bang New South Wales. Các tour du lịch ma thường phải đặt trước nhiều tháng, News.com.au cho hay.
Martin Brennanm, hướng dẫn viên tour du lịch ma ở trạm kiểm dịch tại Manly, phía bắc Sydney, cho biết, số người trải nghiệm loại hình du lịch này tăng gấp đôi trong vài năm. Theo hồ sơ, khoảng 572 người chết vì các căn bệnh truyền nhiễm như đậu mùa hay cúm được chôn ở đây trong khoảng thời gian giữa năm 1828 và 1984. Việc chôn cất sơ sài được cho là nguyên nhân khiến khu vực này nhiều ma, thu hút đông đảo du khách.
Giống như tại Mỹ, các hoạt động du lịch ma ở Australia chủ yếu là thăm quan những nơi bị “ma ám”, nghe những câu chuyện rùng rợn về ma quỷ hay trải nghiệm nỗi sợ khi đối mặt với những chuyện liêu trai. “Trải nghiệm cảm giác một con ma chạm vào người khiến bạn sẽ nhớ mãi”, Peter Clifford, hướng dẫn viên các tour du lịch ma, nhấn mạnh.
Theo Kyodo, du lịch ma cũng bắt đầu lan tới châu Á. Các nhóm dân cư sống tại các vùng núi xa xôi của Nhật Bản và đảo Đài Loan đã lập kế hoạch hợp tác để thu hút khách du lịch bằng những câu chuyện ma quái tồn tại trong cộng đồng. Trong tháng 2, các nhóm cư dân ở Miyoshi, tỉnh Tokushima, Nhật Bản và Nantou, miền trung đảo Đài Loan đã ký thỏa thuận hợp tác chéo nhằm giúp đỡ nhau trong việc khai thác hình thức du lịch mới.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tham gia các lễ hội ma quái của nhau, được phép bán đồ lưu niệm và quảng bá về tour du lịch ma trong các sự kiện do bên kia tổ chức. Các hoạt động này nhằm thúc đẩy du lịch địa phương, quảng bá di tích và cải thiện nền kinh tế địa
Tác giả bài viết: Linh Anh