Alex 26 tuổi là chủ nhân blog du lịch Alex in Wonderland (một trong 20 blogger nữ nổi tiếng nhất thế giới). Cô sinh ra và lớn lên ở New York, Mỹ, luôn khao khát được đi khắp thế giới và lên đường chu du từ năm 2009. Đến năm 2011, Alex chính thức dời New York phiêu bạt khắp nơi.
Alex có mơ ước chu du khắp thế giới, đến vùng đất thần tiên như cô bé Alice ở xứ sở thần tiên.
Alex cho rằng rất ít quốc gia có thể truyền nhiều cảm hứng trái chiều đến vậy cho du khách như Việt Nam. Nhiều người tới Việt Nam và không ngừng ca ngợi về khung cảnh tuyệt đẹp cùng nền văn hóa đa dạng. Cũng không ít người tuyên bố một đi không trở lại bởi tình hình giao thông, cướp giật và sự kém thân thiện. Điều này khiến cô quyết tâm tới đây tự mình khám phá dải đất hình chữ S vào năm 2012.
Alex dành nhiều tình cảm cùng kế hoạch sẽ quay lại đây. Tuy nhiên, cô cũng tìm hiểu được lý do vì sao không ít du khách "ghét" Việt Nam qua những kỷ niệm chẳng hề muốn nhớ trong chuyến đi.
Ác mộng xe khách
Alex phải mất một lúc để trấn tĩnh khi nhớ lại chuyến đi kinh hoàng kéo dài 6 tiếng trên chiếc xe khách từ Đà Lạt đến Mũi Né. Cô cùng nhóm bạn bắt xe ở trạm xe buýt và thanh toán tiền cho cả chuyến đi trước khi lên. Tài xế bắt khách dọc đường đi, cố lèn thật nhiều người lên xe. Alex mắc chứng bệnh sợ không gian hẹp, cô đã gần như bật khóc khi nghĩ đến còn 5 tiếng nữa mới có thể thoát khỏi xe này. Nhóm họ có 4 người và ngồi chỗ của 3 người. Khách lên ngồi la liệt cả lối đi. Trên xe, khốn khổ nhất là hai hành khách phải ngồi trên ghế nghiêng 45 độ bởi hành lý chất đầy đội lên phía dưới. Và đây không phải lần duy nhất cô gặp ác mộng với các phương tiện giao thông ở Việt Nam.
Một trong những chuyến xe khách thoải mái hiếm hoi ở Việt Nam.
Alex cho rằng cô khó chịu không phải vì điều kiện xe tồi tàn. Bằng chứng là trong chuyến đi đầu tiên năm 2009 tới Campuchia, Alex có kỷ niệm vui vẻ trên những chuyến xe buýt kính cửa bị nứt, còi ầm ĩ và nhạc dân tộc Khmer bật suốt đường đi. Nhưng cô lại thấy điều đó thật đáng yêu. Đó là khác biệt lớn so với ở Việt Nam. Sự thất vọng nhất nằm ở chỗ khác. Nhóm Alex đi tổng cộng 3 chuyến xe khách đường dài nữa. Họ đều trả tiền cho xe khách có nhà vệ sinh và cả 3 xe nhà vệ sinh đều bị khóa cửa. Trong hai chuyến đi, có 2 tài xế cười vào mặt cô khi cô vừa lên xe. Quay lại Việt Nam lần sau, cô nhất định tránh xa xe khách và chỉ đi bằng tàu hỏa.
Lừa đảo ở khắp mọi nơi
Khi dừng xe máy ở một bãi có biển đỗ miễn phí, Alex bị đòi trả 5.000 đồng tiền gửi xe. Người đàn ông đó dường như không hiểu biển báo có chú thích tiếng Anh. "Này ông. Có dòng dịch tiếng Anh ở dưới tấm biển đó. Ông thậm chí không phải nhân viên của bãi xe đúng không ?", Alex đã nói vậy với người đàn ông đang cố giơ 5 ngón tay bắt cô trả tiền.
Tất nhiên lừa đảo thì phổ biến ở Đông Nam Á. Nhưng Alex cảm thấy chưa ở đâu mọi người "nhiệt tình" lừa đảo như ở Việt Nam. Không chỉ đòi phí gửi xe giả, người dân tự tiện đặt biển trước thác nước đòi tiền tham quan, nhân viên massage bắt ký giấy cam kết tip và Alex luôn phải cảnh giác suốt chuyến đi.
Sự kém thân thiện
Khi đến một khu chợ ở Đà Lạt, Alex cảm thấy thích thú với những quầy bán đồ ăn. Cô giơ máy ảnh và ra dấu xin phép bà chủ cửa hàng được chụp hình đồ ăn nhưng nhận lại là sự xua đuổi khó chịu khiến cô lùi lại suýt vấp ngã. Alex chia sẻ cô có phần do dự khi chia sẻ kỷ niệm này bởi có thể khiến nhiều người đánh đồng người Việt Nam kém thân thiện. Nhưng đây là điểm khác biệt rất lớn bởi khi đến Thái Lan, cô thực sự choáng ngợp trước sự thân thiện của người dân nơi đây - "vùng đất của những nụ cười".
Alex cho rằng người dân Lào và Campuchia thân thiện hơn Việt Nam.
Theo Alex, nếu du lịch Việt Nam chưa có hướng khắc phục những nhược điểm trên sẽ nhanh chóng bị Lào và Campuchia bỏ xa. Bởi ở những nước này tuy điều kiện khó khăn hơn nhưng cô cảm nhận được sự mến khách và trái tim nhân hậu của họ.
Tác giả bài viết: Như Bình