Tin địa phương

Dự án động lực phát triển, gần 4 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan là một trong dự án động lực của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau gần 4 năm khởi công và được gia hạn tiến độ, đến nay dự án vẫn chưa thể về đích do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Ông Nguyễn Hoàng Sinh (ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) bên diện tích đất chưa bàn giao do chưa đền bù thỏa đáng. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngồi chờ mặt bằng

Dự án đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan có chiều dài hơn 7km, được khởi công tháng 7/2017. Theo kế hoạch, tuyến đường có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng này sẽ hoàn thành vào tháng 12/2018, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ở vùng tây. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ và đã được gia hạn đến tháng 12/2020, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do việc giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, địa phương chưa bàn giao mặt bằng như kế hoạch đề ra.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (đơn vị chủ đầu tư kiêm quản lý dự án), tuyến đường ven sông đi qua 2 phường Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) và 2 xã Hòa Châu, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) sau gần 4 năm triển khai đến nay chỉ mới đạt 60% giá trị hợp đồng. Toàn tuyến còn hơn 2,1km chưa có mặt bằng để thi công, nhiều hồ sơ nhà, đất chưa giải quyết nên dự án tiếp tục chậm so tiến độ đề ra.

Theo kế hoạch, trong quý I/2021, quận Cẩm Lệ sẽ hoàn thành và bàn giao 17 hồ sơ giải phóng mặt bằng, huyện Hòa Vang sẽ bàn giao 60 hồ sơ để triển khai thi công. Tuy nhiên đến nay, cả hai địa phương này vẫn chưa giải quyết xong, khiến dự án tiếp tục “đứng bánh”.

Ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545 (đơn vị thi công dự án), cho biết: Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng gây ảnh hưởng, thiệt hại cho đơn vị thi công do thời gian kéo dài, giá vật liệu, nhân lực, nhiên liệu liên tục tăng.

“Chỉ cần có mặt bằng là triển khai thi công ngay. Hiện nay, chúng tôi phải ngồi chờ có mặt bằng để thi công. Địa phương giao mặt bằng được đoạn nào, đơn vị tập trung làm ngay đoạn đó. Có nhiều vị trí bàn giao được vài chục mét, công ty cũng phải huy động máy móc nhân lực rất tốn kém. Nếu tiếp tục kéo dài thiệt hại cho đơn vị là rất lớn”, ông Sơn cho biết.

Dân chưa đồng thuận

Ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, cho biết: Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn là do trước đây, chính quyền kêu gọi các hộ dân hiến đất làm bờ kè chống sạt lở, làm tuyến đường 3m chạy dọc ven sông, không có đền bù. Khi dự án được triển khai, các hộ dân phải giải tỏa đi hẳn. Các hộ dân yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích đất trước đây đã hiến.

“Trước đây, chúng tôi xin chủ trương, nhưng thành phố chỉ đồng ý hỗ trợ phần đất các hộ dân đã hiến, không được cộng vào diện tích thu hồi. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải đền bù vì phần diện tích hiến trước đây chưa có quyết định thu hồi, giấy tờ đất đai vẫn còn giữ nguyên chưa có điều chỉnh”, ông Ngạnh cho biết.

Ông Ngạnh cho biết thêm, huyện Hòa Vang đã báo cáo lại thành phố và được thành phố đồng ý với chủ trương cộng thêm phần diện tích đất trước đây các hộ dân đã hiến vào diện tích thu hồi dự án. Tuy nhiên, muốn cộng lại, trung tâm đo đạc bản đồ phải đi đo lại, tính toán để hội đồng bồi thường xem xét.

Ngoài ra, theo ông Ngạnh, hiện quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân còn thiếu. Trong khi đó, không ít hộ dân chưa đồng tình với phương án tái định cư của dự án. Riêng đối với các hồ sơ nhà thờ, miếu thờ tự, huyện đã vận dụng tối đa các chính sách có lợi nhưng người dân chưa đồng ý và yêu cầu bồi thường với giá cao. Ban giải phóng mặt bằng huyện không thể làm khác quy định, tiếp tục báo cáo vướng mắc lên thành phố xem xét giải quyết.

Tại quận Cẩm Lệ, các hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù bồi thường của chính quyền địa phương đưa ra. Gia đình ông Nguyễn Hoàng Sinh (70 tuổi, trú tổ 8 phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) có hơn 1.900m2 đất nằm trong phạm vi dự án đi qua. Ngoài tiền bồi thường theo giá nhà nước, gia đình ông được bố trí 6 lô đất tái định cư đường 5,5m ở khu vực Hòa Xuân. Tuy nhiên, gia đình ông chưa đồng tình vì diện tích đó chưa được 1/2 diện tích đất gia đình ông đã mất. Gia đình ông Sinh mong muốn được bố trí tái định cư tại chỗ và phải bố trí thêm 3 lô đất thì mới đồng ý bàn giao mặt bằng.

Tác giả: NGUYỄN THÀNH

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP