Ngày 4-3, tại Làng sinh thái di sản pơ mu nguyên sinh ở xã Axan, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Lễ hội khai năm tạ ơn rừng lần thứ nhất.
Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết từ xa xưa, Lễ hội khai năm tạ ơn rừng là lễ hội lớn của người Cơ tu được tổ chức vào đầu năm âm lịch, khi hoa nở khắp rừng, chim hót vang vọng trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, khi rẫy nương đã phát xong, chờ nắng lên đốt, tỉa.
Đồng bào vùng cao biên giới Tây Giang trình diễn vũ điệu Tung tung da dá tại lễ hội tạ ơn rừng. |
Người Cơ tu bao đời nay sinh sống ở rừng, ở núi. Rừng núi là tài nguyên vô giá, giúp người Cơ tu tồn tại và phát triển. Do đó, Lễ hội khai năm tạ ơn rừng là dịp để thể hiện lòng biết ơn “Mẹ” rừng năm qua phù hộ, độ trì dân làng khỏe mạnh, làm ăn sung túc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà lễ hội này trong một thời gian dài đã bị mai một.
Việc huyện Tây Giang tổ chức tái phục dựng Lễ hội khai năm tạ ơn rừng nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người Cơ tu gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững; đồng thời thông qua lễ hội còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng biên giới.
Lễ hội khai năm tạ ơn rừng lần thứ nhất được tổ chức gồm 2 phần lễ và hội. Trong đó, phần lễ thực hành các nghi lễ liên quan đến phong tục “cúng rừng” theo truyền thống.
Những cây pơ mu cả chục người ôm không xuể được công nhận Cây Di sản Việt Nam tại huyện Tây Giang. |
Phần hội tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian lành mạnh gắn với du lịch khám phá, trải nghiệm rừng cây di sản pơ mu, rừng hoa đỗ quyên trên đỉnh K’lang, các điểm du lịch sinh thái như thác R’cung, điểm dừng chân Azứt, đỉnh Quế,…
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá huyện Tây Giang là một trong những địa phương vùng cao của tỉnh còn giữ được gần như nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh.
Huyện Tây Giang định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, phát triển rừng theo phương châm "Rừng còn Tây Giang còn, rừng mất Tây Giang suy vong". |
Có được điều này nhờ huyện đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, đưa những quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng vào hương ước của các thôn bản.
Việc khôi phục Lễ hội khai năm tạ ơn rừng là một hoạt động ý nghĩa, góp phần gắn kết bền chặt hơn nữa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa giữ rừng trong đời sống của đồng bào vùng cao.
Huyện Tây Giang có diện tích hơn 91.368 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích, với nhiều cánh rừng quý như khu rừng lim, rừng đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ thống động thực vật quý hiếm. Đặc biệt, huyện Tây Giang có khu rừng pơ mu gồm hơn 2.000 cây có tuổi đời từ vài trăm năm đến cả ngàn năm, trong đó 725 cây pơ mu đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. |
Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân