Chờ một năm, chính quyền vẫn "hứa"
Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào năm 2023, ông Huỳnh Nhất Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH VAFI thông tin, doanh nghiệp này mua đất của CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (gọi tắt là SDN) và đã thanh toán 95% nhưng vẫn chưa có sổ đỏ.
Vào thời điểm trên, ông Huy cho hay, không riêng gì Công ty TNHH VAFI mà gần 20 doanh nghiệp khác trong Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng cũng trong tình cảnh tương tự.
"Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải vay vốn, nhưng không có sổ đỏ, không có tài sản thế chấp thì làm sao vay vốn", ông Huy đánh giá.
Ông Huy nhìn nhận, về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường doanh nghiệp của Đà Nẵng. Vì vậy, ông này kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét, có hướng giải quyết, có thể chậm 1 - 2 năm, nhưng phải "chốt" thời gian cho doanh nghiệp. Kết luận Hội nghị, lãnh đạo thành phố cũng cam kết tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2024, thông tin với Nhadautu.vn, Tổng giám đốc Công ty TNHH VAFI cho hay, vấn đề của doanh nghiệp kiến nghị gần 1 năm trước đó vẫn chưa được giải quyết. Hiện, SDN cũng như chính quyền thành phố vẫn tiếp tục "hứa" sẽ triển khai sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Một góc Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: Nguyễn Tri |
Tương tự, Công ty TNHH MTV Bất động sản Sài Gòn cũng trong tình cảnh "chờ sổ đỏ". Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty này cho hay, năm 2019, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với CTCP Đầu tư KCN Hòa Cầm thuê đất với diện tích hơn 10.000m2 tại KCN Hòa Cầm.
Đáng nói, đến nay, Công ty TNHH MTV Bất động sản Sài Gòn đã hoàn thành tất cả các hạng mục đưa vào sử dụng mà vẫn chưa có sổ đỏ để vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Vì không có sổ đỏ, doanh nghiệp chỉ được giải quyết cho thuê đất hàng năm nên không thể đầu tư mở rộng sản xuất.
"Doanh nghiệp cần có thêm vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh mà không được. Thời gian tới, tôi chỉ mong các ban, ngành của TP. Đà Nẵng cố gắng tháo gỡ cho CTCP Đầu tư KCN Hòa Cầm để chúng tôi được nhận sổ đỏ, đây là mong muốn duy nhất của doanh nghiệp", ông Thọ chia sẻ thêm.
Không có sổ đỏ, doanh nghiệp "ngại" vào KCN
KCN Hòa Cầm có diện tích 149 ha do CTCP Đầu tư KCN Hoà Cầm làm chủ đầu tư. Hiện, KCN này đã thu hút 74 dự án, diện tích lấp đầy đạt 96%.
Tuy nhiên, theo CTCP Đầu tư KCN Hoà Cầm, hiện, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc nhiều doanh nghiệp trong KCN đang "đỏ mắt" chờ sổ đỏ.
Được biết, UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đợt 1 vào năm 2012; đợt 2 vào năm 2013 cho diện tích hơn 110 ha của KCN Hòa Cầm.
Nhưng việc cấp sổ đỏ đợt 3 với diện tích hơn 9 ha, đã kéo dài hơn 7 năm qua (từ 2017 đến nay) và vẫn chưa được thành phố giải quyết. Phần diện tích này đang cho 7 doanh nghiệp thuê. Không có sổ đỏ tổng, chủ đầu tư không thể tách sổ đỏ cho từng doanh nghiệp thuê lại đất.
KCN Hòa Cầm có diện tích 149 ha do CTCP Đầu tư KCN Hoà Cầm làm chủ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Tri |
Tại KCN Liên Chiểu, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo SDN (chủ đầu tư KCN Liên Chiểu), KCN này có diện tích 289 ha, đang được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, có nhu cầu thuê đất.
Song, hiện, có đến 40% diện tích đất của KCN dù đã hoàn thiện hạ tầng nhưng vẫn chưa thể cho thuê được. Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Đầu tiên, trong 289 ha, có 55,4 ha chưa được thành phố cấp sổ đỏ. Trong khi đó, SDN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cũng như nghĩa vụ tài chính từ nhiều năm nay.
Từ năm 2021 đến nay, mặc dù SDN đã gửi nhiều công văn đề nghị các Sở, ban ngành của TP. Đà Nẵng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Do chưa có sổ đỏ, doanh nghiệp không thể triển khai cho thuê. Cả khu vực rộng lớn này đành phải bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chủ đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, khoảng 50ha KCN này tuy đã được cấp sổ đỏ nhưng vẫn bị bỏ hoang, không thể thu hút đầu tư. Vì từ tháng 5/2021 trở về trước, thành phố vẫn cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.
Nhưng từ 5/2021 đến nay, thành phố không cấp sổ đỏ theo hình thức này nữa. SDN chỉ được giải quyết cho các doanh nghiệp thuê đất hàng năm. Do vậy, các doanh nghiệp không mặn mà dù rất cần đất để sản xuất.
Qua trao đổi, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho hay, Ban Quản lý cũng đã có ý kiến, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Tuy nhiên, việc này phải trông chờ vào Sở TN&MT", ông Hùng nhấn mạnh.
Tác giả: NGUYỄN TRI
Nguồn tin: nhadautu.vn