Doanh nghiệp dệt may có đơn hàng đến tháng 6
Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc CTCP Dệt may 29/3 cho biết, năm 2023 là một năm với những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm.
Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu chính của công ty suy giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song công ty kiên trì xác định tầm nhìn chiến lược phải vươn ra biển lớn để liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng quy mô hoạt động.
Vì vậy, từ đầu năm 2021, công ty đã góp vốn thành lập Công ty TNHH 29/3-UK tại Vương Quốc Anh để hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu 29/3 trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đầu tư đổi mới thiết bị từng bước hiện đại hóa sản xuất, công ty chú trọng đào tạo cán bộ quản lý để đáp ứng xu hướng sản xuất công nghiệp hiện đại theo xu thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của công ty đạt 1.125 tỷ đồng, bằng 101% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 66,3 triệu USD, bằng 89% so cùng kỳ.
Theo bà Nguyệt, năm 2024 dự kiến thị trường dệt may còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới chưa được hồi phục, trong khi đó xung đột chính trị phức tạp kéo dài.
Nhiều doanh nghiệp dệt may ở Đà Nẵng có đơn hàng đến tháng 6. Ảnh: T.V. |
Song với công ty, qua những giải pháp tích cực đã củng cố thêm niềm tin với các khách hàng truyền thống, họ cam kết tiếp tục hợp tác với công ty. Công ty đã phát triển thêm một số khách hàng mới, thị trường mới đảm bảo đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 6/2024.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho hay, năm 2023, ngành dệt gặp nhiều khó khăn. Đến nay, tổng thể nhu cầu thị trường vẫn thấp và dự báo kéo dài đến quý 2/2024.
Hiện Dệt may Hòa Thọ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai như Nhà máy may Triệu Phong (Quảng Trị) giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị, tiếp tục thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra công ty vẫn đang tuyển dụng khoảng 50 lao động may cho Nhà máy may Hòa Thọ 1 để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp mở rộng sản xuất
Nhà máy do Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium (Hàn Quốc) đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao (TP. Đà Nẵng), có tổng vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu USD.
Nơi đây chuyên sản xuất, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu y tế đặc thù trong lĩnh vực nha khoa như máy chụp cắt lớp CT, máy quét CAD/CAM, máy tiện CAD/CAM, động cơ máy mài dùng trong nha khoa, răng implant (nhân tạo) và ghế nha khoa (có hoặc không có kèm theo thiết bị nha khoa).
Đến nay, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Dentium dự kiến đầu tư 3 giai đoạn sản xuất khoảng 400 triệu USD.
Ông Shim Woo Hyeong, Phó Giám đốc Công ty TNHH ICT Vina thông tin, doanh thu công ty năm 2023 đạt 10 triệu USD, cải thiện rất nhiều so với giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng COVID-19. Mục tiêu doanh thu công ty năm 2024 là 18 triệu USD.
"Để đạt mục tiêu trên, công ty đã hoàn thành đầu tư sản xuất giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 với kinh phí khoảng 277 triệu USD. Dự kiến quý 3/2024 sẽ vận hành chính thức nhà máy giai đoạn 2 với mục tiêu sản xuất các sản phẩm y tế "made in Việt Nam" để xuất khẩu", ông Shim Woo Hyeong thông tin.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin, năm 2024 và 2025 sẽ có một số nhà đầu tư tiềm năng đầu tư.
Bên cạnh Công ty TNHH Điện tử Foxlink Đà Nẵng khả năng sẽ đầu tư giai đoạn 2 và các giai đoạn tiếp theo, có một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản dự kiến xây dựng nhà máy trên 50ha đất tại Khu Công nghệ cao.
Theo ông Hùng, Ban Quản lý đang xin chủ trương điều chỉnh cục bộ Khu Công nghệ cao để dành đất cho sản xuất. Sau này khi mở rộng thêm sẽ nghiên cứu tỷ lệ đất sản xuất và các phân khu khác phù hợp.
"Mục tiêu trong năm 2024, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan phấn đấu thu hút ít nhất 3 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD", ông Hùng thông tin và cho biết thêm, các dự án tập trung vào 3 mũi nhọn chính, gồm: công nghệ hàng không vũ trụ, vi mạch bán dẫn và ngành y tế chất lượng cao.
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn