Kinh tế

Doanh nghiệp của "đại gia ngành dược" Ngô Chí Dũng nợ bảo hiểm của hơn 1.200 lao động

BHXH TP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa công khai gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tính đến thời điểm cuối tháng 1/2023.

BVĐK Tâm Anh là thành viên có tuổi đời lâu nhất trong trong "hệ sinh thái" của đại gia ngành dược Ngô Chí Dũng. Ảnh: Tâm Anh


Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội, tính đến hết tháng 1/2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn địa bàn là hơn 1.500 tỷ đồng.

Thời gian các doanh nghiệp nợ, chậm đóng dao động 1-182 tháng. Đa phần các DN có số tháng chậm đóng BHXH, BHYT chỉ 1 tháng. Tuy nhiên các DN này đều có hàng nghìn công nhân nên chậm đóng 1 tháng, số tiền chậm đóng cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số các đơn vị chậm đóng BHXH có Công ty CP Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh (BVĐK Tâm Anh). Theo công bố, BVĐK Tâm Anh nợ đóng bảo hiểm cho 1.213 lao động, với số tiền gần 2,3 tỷ đồng.

CTCP Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh là thành viên có tuổi đời lâu nhất trong trong "hệ sinh thái" của đại gia ngành dược Ngô Chí Dũng.

Doanh nghiệp thành lập từ tháng 9/2007. Tuy nhiên, sự "hiện diện" của ông Ngô Chí Dũng tại đây lại khá kín đáo.

Ông Dũng không trực tiếp nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc hay người đại diện theo pháp luật dù sở hữu 50% cổ phần trực tiếp (theo ĐKKD thay đổi ngày 1/12/2016). Công ty Đầu tư Tài chính Thành phát - một pháp nhân có cùng địa chỉ với ông Dũng sở hữu 30%. Những người giữ vai trò quản lý tại Tài chính Thành Phát hầu hết đều có mối quan hệ mật thiết với ông Dũng.

Trong năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 660,6 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018, thế nhưng lãi hạt tiêu ở mức 1,1 tỷ đồng, giảm tới 97,3% so với năm trước đó.

Trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, doanh thu của BVĐK Tâm Anh tăng vọt từ 160 tỷ lên hơn 745 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trong 2 năm gần nhất chỉ quanh ngưỡng 1 tỷ đồng, thấp đến mức khó tin với lĩnh vực y tế tư nhân.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của BVĐK Tâm Anh đạt hơn 1.150 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với quy mô cuối năm 2017.

Nhắc đến doanh nhân Ngô Chí Dũng không thể bỏ qua VNVC- thành viên có "tên tuổi" nhất trong "hệ sinh thái" của đại gia ngành dược.

Về VNVC, doanh nghiệp thành lập ngày 11/11/2016, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động y tế dự phòng và tiêm phòng. Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của VNVC là 10 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Hà góp 3 tỷ đồng (30%), Nguyễn Thị Xuân góp 3 tỷ đồng (30%) và ông Ngô Chí Dũng góp 4 tỷ đồng (40%). Ông Ngô Chí Dũng (SN 1974) đồng thời cũng là Người đại diện Pháp luật kiêm HĐQT Công ty.

Đến ngày 10/7/2020, vốn điều lệ của VNVC được tăng lên 140 tỷ đồng và không rõ cơ cấu cổ đông góp vốn.

VNVC chỉ mất 3 năm hoạt động để bắt đầu có lãi, với doanh thu thuần tăng theo cấp số nhân qua các năm. Trong mấy năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của VNVC liên tục tăng cao.

Năm 2020, doanh thu của VNVC tiếp tục tăng lên mức hơn 3.800 tỷ đồng, lãi hơn 90 tỷ đồng. Đến năm 2021, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, VNVC là doanh nghiệp đầu tiên nhập 117.600 liều vaccine từ hãng AstraZeneca.

Ngoài VNVC, ông Ngô Chí Dũng còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP (Eco Pharmacy). Doanh nghiệp này cũng là "gà đẻ trứng vàng" trong "hệ sinh thái" của ông Dũng.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, Eco Pharma đều ghi nhận doanh thu ở mức nghìn tỷ, cao gấp nhiều lần so với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, công ty này báo doanh thu 1.681,4 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận chỉ ở mức 12,4 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận khiêm tốn 0,73%.

Tác giả: Bạch Hiền

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP