Theo sử sách ghi lại vào đầu thế kỷ 16 nhà Hậu Lê suy vong, bà Bùi Thị Ngọc Thụy vợ của vua Lê Quang Thiệu chạy về xã Diêm Tràng, phủ Anh Đô nay là xã Yên Sơn, huyện Đô Lương. Tại đây bà sinh ra người con trai khôi ngô, tuấn tú, tướng mạo khác thường đặt tên là Lê Linh. Sau đó tướng Nguyễn Kim bề tôi của nhà Lê khởi binh ở Ai Lao, tìm được Lê Linh lập ngôi hoàng đế đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, khôi phục vương triều nhà Lê, lúc ấy Lê Trang Tông 19 tuổi. Vừa lên ngôi vua, Lê Trang Tông trọng người tài nghe lẽ phải làm việc hay được nhân dân kính nể. Vua Lê Trang Tông nhiều lần thân chinh dẹp giặc, ông lâm bệnh và qua đời ngày 29 tháng giêng năm Mậu Thân 1548. Con của vua Lê Trang Tông là hoàng thái tử Huyên lên ngôi và lập đền thờ vua cha lấy niên hiệu là Trang Tông.
Các đại biểu tham dự
Để ghi nhớ công ơn của vị vua đã có công khai khẩn đất đai, mở mang cả một vùng rộng lớn cho nhân dân có cuộc sống ổn định, chấn hưng đất nước thời Hậu Lê. Đền Đức Hoàng thờ vua Lê Trang Tông còn thờ Thái Quý Quốc Công tức ông ngoại của vua Lê Trang Tông, ông Lê Thộ, ông nội của vua Lê Trang Tông, vua Lê Thiệu cha của vua Lê Trang Tông và bà Bùi Ngọc Thụy, mẹ của vua Lê Trang Tông. Từ thời Lê, nhân dân trong vùng đều tổ chức rước kiệu và tế lễ. Năm 1996 đền Đức Hoàng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và hàng năm tổ chức tế lễ vào tối 15 và ngày 16 tháng giêng để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với vua Lê Trang Tông và các vị nhân thần đã có công với dân với nước. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đầu xuân.
Các đồng chí lãnh đạo huyện dâng hương tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo các xã, nhân dân và du khách đã tổ chức dâng hương, hoa, lễ vật và tổ chức lễ tế tại đền theo nghi thức cổ lễ truyền thống được gìn giữ hàng trăm năm này.
Thả đèn Hoa Đăng
Trước đó tối ngày 15 tháng giêng âm lịch xã Yên Sơn đã tổ chức lễ cáo yết và thả đèn hoa đăng tại Đền Đức Hoàng.
Tác giả bài viết: Hữu Hoàn
Nguồn tin: