Địa danh du lịch Mũi Né
Bãi đá Hòn Rơm
Nằm trong khu phức hợp bãi tắm của Hòn Rơm, nơi đây có sức hấp dẫn đối với du khách bởi nhiều tảng đá có hình thù kỳ lạ nằm đối diện với biển.
Vẻ đẹp thanh bình của Hòn Rơm
Đặc biệt, màu sắc trên đảo thay đổi theo từng mùa. Mùa mưa, cả ngọn núi được bao phủ bởi màu xanh rì của thiên nhiên. Đến mùa nắng, khắp nơi được nhuộm một màu vàng úa, nhìn từ xa, người ta dễ liên tưởng tới một ụ rơm khổng lồ.
Hoàng hôn trên Hòn Rơm
Nước ở bãi Hòn Rơm xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, người ta có thể ngồi ngắm bình minh hay hoàng hôn, vào buổi tối có thể nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại.
Suối Tiên
Được khách du lịch Mũi Né ưu ái gọi với cái tên “Bồng lai tiên cảnh”, Suối Tiên là một khe nước nhỏ nằm bên cạnh Hòn Rơm có thung lũng cát rất đẹp. Với cảnh quan nguyên sơ, chưa có bàn tay của con người tác động, bên cạnh suối có những đồi nhũ đá tự nhiên màu đỏ và trắng, tạo nên những hang động độc đáo và lạ mắt.
Dọc theo con suối, có nhiều lối dẫn lên đồi cát. Bạn có thể men theo đó để ngắm nhìn toàn cảnh suối Tiên từ trên cao. Một bên là hàng dừa xanh bát ngát, bên kia bức tường cát sừng sững hai màu.
Vào mùa hè, Suối Tiên khoe sắc với hàng dừa xanh mát cùng hoa lục bình tô điểm. Xuân đến, hoa bưởi, hoa chanh mọc bên bờ suối lan tỏa hương thơm khiến lữ khách phải dừng chân hít hà theo gió thoảng.
Đồi cát vàng
Đồi cát vàng được xem là biểu tượng của du lịch Mũi Né, trải dài từ Bình Thuận đến Ninh Thuận. Bao trùm nơi đây là sự kết hợp giữa màu mỏ sắt cũ hòa với màu vàng của cát, tạo nên không gian vô cùng độc đáo.
Do sự bào mòn của gió, hình dạng của những tầng cát luôn có sự thay đổi. Chính điều này khiến bãi cát nơi đây trở thành địa điểm chụp ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia. Tham quan đồi cát nổi tiếng và thử thách với màn trượt cát mạo hiểm là trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi đến Mũi Né.
Bàu Trắng
Giữa mênh mông biển trời Phan Thiết, Bàu Trắng khác biệt khi là hồ nước ngọt duy nhất của vùng. Nơi đây vốn là một hồ lớn, sau đó được đắp đập cát ngăn đôi tạo thành 2 bàu là Bàu Ông và Bàu Bà.
Leo lên những triền cát cao, cảnh đẹp nơi đây sẽ khiến du khách ngỡ ngàng bởi biển hồ lấp lánh ánh bạc dưới mặt trời rực rỡ. Xen vào đó, những cánh sen hồng thấp thoáng sau chiếc lá xanh tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Hệ sinh vật ở Bàu Trắng rất phong phú, có nhiều loại cá nước ngọt: cá rô, cá lóc, cá trê, cá trắm cỏ…
Nét hoang sơ và mộc mạc nơi đây thu hút những người mê cái đẹp tìm đến để sáng tác nghệ thuật.
Du khách đến Bàu Sen có thể thuê xuồng của ngư dân ven vùng dạo chơi, đi dạo trên những triền cát, ngắm cảnh trên hồ hay câu cá trong những chiếc chòi nhỏ. Cạnh đó là một rừng dương mát rượi, có thể mắc võng, thong thả nghỉ ngơi dưới tán lá cùng làn gió vi vu. Còn cảm giác mạnh hơn hãy thử trò trượt cát hay chạy xe địa hình trên cát thú vị.
Tháp Chàm – Pôshanu
Nằm trên đồi Bà Nài, cách thành phố Phan Thiết khoảng 7km, Tháp Chàm là một nhóm di tích các đền tháp còn sót lại của Vương Quốc Chăm Pa xưa. Tuy có kiến trúc vừa nhỏ nhưng di tích này được chắt lọc tinh hoa từ kiến trúc và nghệ thuật của của người Chăm.
Tháp Chàm – Pôshanu
Nơi đây có vẻ đẹp vô cùng uy nghiêm và kỳ bí, là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Mũi Né nói riêng và du lịch Bình Thuận nói chung. Cụm tháp do người Chăm xây dựng cuối thế kỷ VIII, thờ thần Shiva - vị Thần được người Chăm tôn sùng. Ngoài ba tháp, ở đây còn có đền thờ, nhưng đã bị vùi lấp trong lòng đất suốt 300 năm. Trong lòng ngôi tháp chính còn bệ thờ Linga-Yoni, một biểu tượng sinh tồn của thần Shiva.
Tháp Poshanu cũng là địa điểm thích hợp để bạn thả mình vào không gian thoáng đãng, ngắm nhìn mặt trời lặn hoặc phóng tầm mắt chiêm ngưỡng khung cảnh toàn bộ thành phố lên đèn.
Đặc sản Mũi Né
Bánh quai vạc
Thoạt nhìn, bánh quai vạc có vẻ giống bánh bột lọc, nhưng thực chất nó lại được làm từ bột mỳ với phần nhân là tôm và thịt ba chỉ xào tiêu cay. Khi ăn sẽ rắc thêm chút hành lá và tóp mỡ lên trên, rồi chấm vào nước mắm chua ngọt và rất cay của Mũi Né.
Ngay từ miếng đầu tiên, bạn đã bị cuốn hút ngay bởi lớp vỏ bánh mỏng mà cực dẻo mềm, nhân bánh thơm và rất đậm đà, nhất là nước chấm ngon đến nỗi vừa chấm vừa húp.
Cá lóc chiên xù cuốn bánh tráng
Nếu du lịch Mũi Né mà lại bỏ qua món cá lóc chiên xù cuốn bánh tráng thì thật đáng tiếc. Trên thực tế, du khách có thể tìm thấy và thưởng thức cá lóc chiên xù ở bất kỳ vùng biển nào, nhưng ít ai biết rằng Mũi Né mới là nơi khai sinh ra món ăn bình dị này.
Tuy được gọi là cá lóc chiên xù nhưng món này lại không hề sử dụng bất kỳ một loại bột chiên xù nào, mà khi sơ chế người đầu bếp sẽ để nguyên vẩy cá mà không cạo đi như cách chế biến thông thường. Sau đó, thả nguyên con cá lóc vào chảo dầu nóng già, khi cá chín cả phần đuôi và vẩy sẽ cùng xù lên, vì thế mới được gọi là cá lóc chiên xù
Bạn nên thưởng thức món cá lóc chiên xù này khi còn nóng cùng bánh tráng, bún, rau sống, chuối chát, khế chua và nước chấm đậu phộng cay.
Gỏi cá mai
Để làm ra được món gỏi cá mai ngon, hấp dẫn và không tanh, người chế biến phải chọn những con cá mai to, mập và tươi. Khi chế biến sẽ đánh sạch vảy, bỏ đầu, đuôi, và rút xương; sau đó cho vào nước đá để thịt cá được chắc và giòn hơn, khi nào ăn sẽ đem làm tái bằng nước cốt chanh.
Cuối cùng là dùng nhiều loại nguyên liệu để bóp gỏi như: cà rốt, hành tây, húng lủi, rau răm, ớt, tỏi, đậu phộng…Sự hòa quyện của tất cả các nguyên liệu cùng nước chấm đậu phộng đặc biệt sẽ làm bạn không thể nào quên hương vị tuyệt vời của món gỏi cá mai Mũi Né này.
Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc
Nguồn tin: