Thành viên đội Nhật Bản đang tỉ mỉ chuẩn bị từng ống pháo. |
Giữa trưa ngày 18-5, dù thời tiết nắng nóng nhưng các thành viên của hai đội Nhật Bản và Thụy Sĩ vẫn miệt mài chuẩn bị giá, súng tại khu vực cảng Đà Nẵng. Ông Nicolas Guinand, Đội trưởng đội pháo hoa Thụy Sĩ cho biết, về lập trình, kỹ thuật bắn, đội Thụy Sĩ chuẩn bị sẵn tại quê nhà.
Đến Đà Nẵng, đội chỉ kiểm tra, lắp đặt pháo và sẵn sàng cho đêm trình diễn. Đến với DIFF lần này, đội sử dụng một số công cụ rất đặc biệt, những giàn pháo lớn, hiện đại cao khoảng 4m được chia làm 8 cột ở 8 hướng.
Khán giả có thể sẽ thấy hình ảnh lá cờ của Việt Nam trên bầu trời Đà Nẵng. Ngoài ra, đội Thụy Sĩ còn sử dụng loại pháo hoa mới, tốc độ bắn pháo nhanh, tỏa ra 21 hướng khác nhau. Khán giả có thể ngắm nhìn pháo hoa từ bất kỳ góc độ nào.
Dàn pháo hiện đại của đội Thụy Sĩ hứa hẹn là một ẩn số trong đêm Thổ. Ảnh: THU HÀ |
Từng giành giải nhì DIFC 2012, lần trở lại này, đội pháo hoa Tamaya Kitahara (Nhật Bản) ước tính sẽ sử dụng khoảng hơn 4.000 quả pháo cho cả tầm cao, tầm thấp và tầm trung. Những bông pháo với nhiều họa tiết sẽ được sử dụng cùng pháo hoa có màu sắc chuyển động đầy sinh động. Theo ông Josh Kabasawa, Đội trưởng đội pháo hoa Nhật Bản: Lần này, kỹ thuật bắn pháo được đội Nhật Bản chú trọng hơn và điều quan trọng là đội muốn truyền tải được thông điệp của màn trình diễn đến khán giả.
Ông Nicolas Guinand chia sẻ, trước khi xây dựng câu chuyện để kể ở DIFF 2017, đội Thụy Sĩ đã tìm hiểu về Ngũ Hành Sơn với những cảm xúc hạnh phúc, căng thẳng, thích thú, vui sướng... khi chinh phục danh thắng này.
Tại đêm trình diễn, khán giả sẽ được tham gia hành trình chinh phục đỉnh Ngũ Hành Sơn với đủ các cung bậc cảm xúc ấy cùng đội Thụy Sĩ thông qua âm thanh và ánh sáng của pháo hoa theo đúng chủ đề “Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn”.
Trong khi đó, đội Nhật Bản chọn kể một câu chuyện đậm nét văn hóa truyền thống kết hợp với âm nhạc hiện đại được chia thành từng phần, từng lớp có lúc sôi động, lúc sâu lắng…
Trong câu chuyện đó, đội Nhật Bản mong muốn khán giả hai bên bờ sông Hàn cảm nhận được tình cảm của đội cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ sở “Mặt trời mọc” để qua đó mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa Nhật Bản và Việt Nam càng phát triển hơn.
Trước giờ trình diễn, ông Nicolas bày tỏ: “Quan trọng là cảm xúc mà hai đội sẽ mang đến cho khán giả tại bờ sông Hàn. Đây không còn là cuộc thi để hơn thua nhau bởi chúng tôi đã là “gia đình pháo hoa”. Đội nào giành chiến thắng cũng tốt và chúng tôi sẽ chúc mừng cho đội đó. Tuyệt vời nhất là chúng tôi được tới đây và mang cảm xúc đến cho khán giả tại Đà Nẵng”.
|
Tác giả: THU HÀ
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng