Giáo dục

Đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận, Bộ GD&ĐT lý giải gì?

Bộ GD&ĐT lý giải một số điểm mới được đề xuất tại Dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức.

Cần thiết để bảo vệ nhà giáo
Sáng 25/10, Bộ GD&ĐT lý giải một số điểm mới được đề xuất trong Dự thảo Luật Nhà giáo (bản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15), trong đó có nội dung quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ nhà giáo.

Theo đó, ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm với nhà giáo, bao gồm: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo...

VTC News dẫn thông tin từ Bộ GD&ĐT cho hay, có ý kiến băn khoăn về quy định không được “Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo”, lo ngại quy định này vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo.

Bộ GD&ĐT cho rằng, đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức là cần thiết để bảo vệ nhà giáo. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. "Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định", Bộ GD&ĐT nhấn mạnh thêm.

Đơn vị soạn thảo này cho rằng, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

Không đồng nghĩa với việc bưng bít thông tin
Nêu quan điểm về đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận tại Dự thảo Luật Nhà giáo trên Tiền phong, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) thẳng thắn: "Nghề giáo là một nghề đặc biệt. Giáo viên đứng trên bục giảng, rất cần sự tôn trọng của học sinh, phụ huynh. Tự dưng có sự hoài nghi hay không tôn trọng, thầy cô sẽ rất khó khăn đứng lớp dạy học".

Cô Nga cho rằng, quy định trên không đồng nghĩa với việc sẽ bưng bít thông tin. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, cần thiết phải công bố thông tin sai phạm nhằm làm trong sạch môi trường sư phạm, đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh những người khác. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, học sinh lăm le điện thoại trong tay nên các hoạt động trong lớp có nguy cơ bị lộ ra ngoài, giáo viên rất áp lực.

Đồng quan điểm, cô Bùi Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn (Hà Nội) chia sẻ, khi có sự việc liên quan đến giáo viên xảy ra, chính họ bị ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất, cần được hỗ trợ nhất. Do đó, không nên vội vàng công bố thông tin cá nhân và sự việc sai phạm của giáo viên, tránh tác động tiêu cực tới cá nhân.

Cô Linh đánh giá, nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo mang tính nhân văn, bảo vệ quyền lợi của giáo viên.

Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT chủ trì, sẽ được thảo luận tại Quốc hội, dự kiến vào ngày 9/11. Ban soạn thảo cho biết dự Luật gồm 5 chính sách quan trọng: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: bộ GD&ĐT , sai phạm , sai phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP