Giáo dục

Đề thi đã tiến, dạy học vẫn còn... giậm chân!

Đề thi vào lớp 10 mùa tuyển sinh năm nay tại TPHCM nhận được rất nhiều lời khen ngợi là hay, đổi mới, mở, giúp phát triển về mặt thực tiễn, tư duy cho học trò. Thế nhưng nhìn chung, việc làm bài của học sinh, điểm số lại không như kỳ vọng, nếu không muốn nói là gây... thất vọng.

Có gần 50% bài thi Toán dưới 5 điểm, môn Văn khá khẩm hơn với trên 86% bài thi đạt từ điểm 5 nhưng tỷ lệ này vẫn kém xa các năm trước, chưa kể điểm cao không nhiều.

Đề không khó nhưng học sinh "nhăn nhó"

Đề hay, đổi mới kết quả thi của học sinh lại không cao, ThS Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng một trường ở TPHCM đưa ra 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, có thể giáo viên trong quá trình dạy học, ôn tập đã không tham khảo kỹ đề minh họa mà Sở GD-ĐT TPHCM đã đưa ra từ đầu năm học. Tiếp đó, học sinh còn nặng thói quen học "luyện chiêu" nhưng thực tế không có nội lực vững nên đã bị "trật khớp" khi gặp đề cơ bản nhưng không theo định dạng quen thuộc. Và với đề thi năm nay, đề dài nhìn vào như đề Văn thì học sinh có thể không có thói quen, khả năng đọc và hiểu được nội dung văn bản.

ThS Phạm Phúc Thịnh nhấn mạnh, đề Toán năm nay cực kỳ cơ bản, không đánh đố, học sinh chỉ cần học nghiêm túc trên lớp, làm bài tập trong sách giáo khoa, không cần phải học thêm là không khó đạt 7 - 8. Nhưng thực tế điểm không cao lại là hậu quả của việc các em đi học thêm quá nhiều nên mong chờ nhiều những dạng toán khó hơn nhưng... phải là dạng quen thuộc.

Từ kết quả này, ông Thịnh cũng đặt ra vấn đề chúng ta cần nhìn nhận năng lực thật của học sinh. Con số 52% điểm thi dưới trung bình phản ánh thật thực lực của học sinh. Chỉ là do, lâu nay học sinh có "điểm ảo" từ giáo viên do thành tích.

"Vì thành tích, không ít giáo viên cho học sinh làm bài theo kiểu cho ôn 5 và lấy 4 làm bài kiểm tra, từ đó hình thành thói quen ở học sinh là phải quen với "dạng đề". Học sinh học theo kiểu học thuộc lòng, học tủ nên điểm bài kiểm tra trên lớp cao. Nhưng thực chất là hổng, không có "nội công" khi gặp vấn đề là... "lộ" ra ngay, ThS Phạm Phúc Thịnh cho hay.

Cô Phạm Quốc Thúy, Trường THCS Trần Huy Liệu, Phú Nhuận nhận xét đề Toán năm nay hoàn toàn không khó, không nằm ngoài chương trình và không bất ngờ.. Có điều đề hơn dài nên các em học sinh trung bình trở xuống, khả năng tư duy không có mà thấy đề dài quá nên các em không đọc, không phân tích được.

Vấn đề ở đây, theo cô Thúy chính là việc đổi mới mà các trường đang thực hiện chỉ mới là vận dụng kiến thức mà chưa phát huy được khả năng sáng tạo, độc lập, giải quyết vấn đề trong những tình huống ứng dụng khác nhau.

Phải thay đổi cách dạy và học

Thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên dạy Văn ở TPHCM cũng dành nhiều lời ca ngợi cho đề Văn như đề không khó, đề hay, mở, có tính tích hợp, phân hóa cao, câu nghị luận rất thú vị... Rồi thầy không khỏi bất ngờ, ngỡ ngàng vì đề hay nhưng điểm thấp, thậm chí là thấp nhất so với 3 - 4 năm gần đây.

Việc dạy học ở trường thay đổi còn chậm, chưa bắt nhịp kịp với sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá

Năm trước, có khoảng 94% bài thi đạt điểm Văn trên trung bình, năm nay chỉ 86%, theo thầy Trọng, có thể học sinh bị mất điểm ở câu nghị luận xã hội. Đề thi đã bôi đậm, chọn 1 trong 3 hình nói về tương quan quan hệ con cái và cha mẹ để bày tỏ ý kiến nhưng em các đọc không kỹ, thấy chủ đề là vội vàng làm ngay.

Qua đây, thầy Trọng nhấn mạnh, học sinh cần tập thói quen đọc, phân tích kỹ đề trước khi làm bài. Còn giáo viên cần rút kinh nghiệm khi ôn tập cho học sinh là dạy các em cách đọc đề, phân tích đề để đảm bảo nắm đúng, đủ và sâu yêu cầu đề. Từ đó, mới có thể thành công trong mỗi bài làm.

Thầy Trọng bộc bạch: "Sau kỳ thi này, trước thực tế điểm như vậy ở môn Văn thì vấn đề của thầy và trò không phải là dạy kiến thức nữa mà là dạy kỹ năng, phương pháp, kỹ năng phân tích đề, làm bài... Việc dạy học thật sự phải đổi mới mới bắt kịp đề thi đổi mới".

Dự kiến, ngày 10/7, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10. Theo nhận định với phổ điểm năm nay, điểm chuẩn trường top 2 sẽ thấp hơn mọi năm do đến hơn 50% bài thi Toán dưới trung bình, chưa kể năm nay TPHCM đã chính thức bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh khi thi vào lớp 10.

Nhiều giáo viên còn ngại đổi mới

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sau khi đi kiểm tra đánh giá, họ nhận ra còn rất nhiều giáo viên ngại đổi mới. Trong khi, dạy học tiếp cận năng lực đòi hỏi giáo viên phải đọc nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, chuẩn bị nhiều hơn ... thì một bộ phận giáo viên chưa theo kịp hoặc ngại thay đổi.

Đây sẽ là vấn đề ngành Giáo dục TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo, thay đổi trong năm học tới. Để làm sao việc đổi mới ở các trường phải được thực hiện cụ thể hơn, hiệu quả hơn, có như vậy đổi mới phương pháp dạy và học mới có thể tiệm cận với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh hiện nay.

Đề mở, người chấm cũng cần... mở

Một giáo viên tham gia chấm Văn ở kỳ thi lớp 10 ở TPHCM cũng cho biết, đề thi đã rất mở, đổi mới, về hiệu ứng có thể sau này giáo viên, phụ huynh, học sinh cần nhìn lại việc học lấy học để "nhồi" kiến thức. Bên cạnh đó, chính giáo viên chấm thi cũng cần đổi mới, đề mở thì phải dám chấm mở, ghi nhận góc nhìn đa chiều của học sinh. Đáp án của Sở mở nhưng trong quá trình chấm thi, có giáo viên vẫn còn "bó hẹp" góc nhìn của mình.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP