Tại hội nghị có nhiều nhà báo quan tâm, phát biểu, thảo luận xung quanh sự kiện dâng bánh chưng 700 kg lên khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, từ năm kia đến năm ngoái (2016), đã có nhiều ý kiến trái chiều một số ủng hộ, một số không ủng hộ và chỉ trích. Đáng lẽ ra các cơ quan chức năng phải ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm việc này là đúng sai và cần chỉnh sửa gì không nhưng lại chưa thấy....
"...Tôi nghĩ rằng phát hiện của báo chí của dư luận xã hội rất là đúng, chúng ta cần rút kinh nghiệm. Ở đây có hai khía cạnh. Có người nói đưa tin về dâng bánh báo chí khai thác cụ thể quá, phản cảm quá thì mất giá trị, ý nghĩa. Tôi nghĩ tri ân là cần thiết, tuy nhiên cách làm thế nào cho phù hợp thì lại là một câu chuyện chúng ta cần bàn. Có phải là cái bánh bảy tạ hay 3,5 tạ hai cái bảy tạ khênh lên đó mới là hoành tráng đâu. Kể cả Bác Hồ, bố mẹ Bác Hồ là những người rất giản dị, rất khiêm tốn. Cái này (dâng cặp bánh 700 kg) phải rút kinh nghiệm chứ".
Theo ông Hợp, các cơ quan nhà nước phải quản lý được hoạt động này. Đây là một di tích lịch sử đặc biệt, tất cả hoạt động, dâng vật gì ở trên đó trên khu vực đó cán bộ quản lý phải lãnh đạo được, phải quản lý được.
"Tôi cho rằng phải rút kinh nghiệm. Sau buổi giao ban này tôi sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rút kinh nghiệm chỗ này. Đề nghị chỉ đạo hiệp hội du lịch không phải muốn làm cái gì, muốn dâng cái gì cũng được, phải có quản lý nhà nước về lễ hội" - ông Hợp cho biết.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng quan tâm, thảo luận về quá nhiều lễ hội sau tết âm lịch (cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, bình quân mỗi tiếng đồng hồ có một lễ hội); công tác giao ban báo chí; vấn đề quảng cáo trên báo chí; công tác tuyên truyền về không đốt pháo dịp tết; tổ chức hội báo xuân... Đồng thời nêu các ưu điểm, hạn chế và đưa ra các định hướng tuyên truyền tháng 2-2017.
Tác giả bài viết: Đ. Lam
Nguồn tin: