Một góc thành phố Đà Nẵng. |
Tên bộ tiêu chí mà TP HCM xây dựng là “Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Tên bộ tiêu chí của Tp Đà Nẵng giới thiệu là “Thành phố đáng sống”. Cả hai bộ tiêu chí đều lấy người dân làm trung tâm, vừa là đối tượng thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng.
Lấy dân là trung tâm
Bộ tiêu chí của TP HCM có 6 nhóm nội dung với 25 tiêu chí lớn, 129 tiêu chí thành phần. Bộ tiêu chí của Đà Nẵng có 6 nhóm vấn đề với 28 tiêu chí cơ bản.
Có thể thấy điểm căn bản của các bộ tiêu chí này đều dựa trên khái niệm không chính thức về “thành phố đáng sống” đã và đang được quan tâm trên toàn thế giới, bởi các quốc gia có phát triển đô thị. Khái niệm này được đưa ra theo một danh sách căn cứ vào các cuộc điều tra thường niên về điều kiến sống, chất lượng cuộc sống, tiêu biểu là 3 cuộc điều tra: Monocle’s “Most Livable Cities Index”, the Economist Intelligence Unit’s “Livability Ranking and Overview” và “Mercer Quality of Living Survey”. Đồng thời, dựa trên những khái niệm “livability” - chất lượng sống và “livable cities” - thành phố đáng sống của Giáo sư Michael Douglass, nhà nghiên cứu về đô thị.
Đã đến lúc Việt Nam cần có một bộ tiêu chí - bộ chính sách phát triển đô thị bền vững cấp quốc gia. |
Theo đó, sống tốt của người dân không dừng ở chất lượng đô thị “phát triển bền vững”, nó bao trùm cả những yếu tố thể hiện được đủ 5 tầng tháp nhu cầu của mỗi người trong đó có sự hài lòng, thể hiện được bản thân - cao hơn là sự tự hào bản thân, không gian/địa danh/ môi trường đang sống, nó được đặt trong nhóm tiêu chí đầu tiên mà các đô thị trên thế giới đều hướng phát triển - theo hệ tiêu chí khái quát từ World Bank (WB).
Soi chiếu các bộ nhóm tiêu chí mà TP HCM hay Đà Nẵng đặt ra với 4 nhóm từ WB, hay 39 tiêu chí theo Mercer dùng để đánh giá, xếp hạng các thành phố đáng sống toàn cầu, như vậy, tuy có khác nhau về số lượng nhóm, mục, tiêu chí “con”, song đều thể hiện đầy đủ nội hàm của mục “thành phố đáng sống”, từ cảm nhận, đánh giá, phấn đấu của chính mỗi một người dân.
Còn thiếu gì ?
Hiện những bộ tiêu chí đáng sống của 2 thành phố tiên phong xây dựng mới ở mức dự thảo và sẽ cần hoàn thiện từ lấy ý kiến của người dân, cộng đồng. Có nghĩa đây chưa phải là bộ tiêu chí sau cùng. Và chắc chắn cũng chưa phải là những bộ tiêu chí “chốt” của các bộ tiêu chí phát triển đô thị. Bởi Việt Nam vẫn còn những đô thị lớn như Hà Nội, đô thị đặc thù tương lai như Phú Quốc, hay đô thị trung tâm như Huế... Luật Quy hoạch đô thị phân loại Việt Nam có 17 đô thị loại I.
Đã đến lúc Việt Nam cũng cần có một bộ tiêu chí - bộ chính sách phát triển đô thị bền vững cấp quốc gia, là cơ sở để các thành phố tiến hành lập các tiêu chí cụ thể cho phát triển đô thị và chất lượng sống của người dân trong thành phố mình. Và mỗi thành phố khi xây dựng bộ tiêu chí riêng, mong cũng sẽ không để rơi vào tình cảnh: “Hỏi tên: Rằng biển dâu ngàn/ Hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa” (Bùi Giáng) - không gọi, không “gợi” được tên/ màu cờ sắc áo - bản sắc riêng trong “màu cờ sắc áo” mang tên Việt Nam.
Nói riêng với những thành phố được gây dựng và đóng góp, phát triển từ các thế hệ cư dân có đông đảo người nhập cư như TP HCM, thì đó thực sự là một thách thức.
Tác giả: Lê Mỹ
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp