Du lịch

Đầu năm ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam

Lối kiến trúc thời Lý - Trần ở ngôi chùa rộng nhất miền Tây để lại nhiều dấu ấn và cảm giác thanh bình trong những ngày đầu năm mới.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khánh thành ngày 17/5/2014 sau gần một năm xây cất, tọa lạc trên diện tích gần 4 ha tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Thiền viện nằm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, cách làng du lịch Mỹ Khánh chỉ vài trăm mét và cách trung tâm thành phố khoảng 15 km.

Tiền cảnh khu chánh điện.

Vừa đặt chân đến đây, du khách đã được thấy ngay nhiều nét kiến trúc độc đáo. Cổng chính của thiền viện là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ quý sơn màu nâu bóng loáng. Hai bên cổng đặt 2 bức tượng cao thếp vàng: bên trái là tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) bảo vệ ngôi Tam Bảo; bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác) chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh.

Phía sau cánh cổng là khoảng sân gạch vô cùng rộng lớn, cảnh quan được bài trí cân đối khiến du khách cảm nhận ngay được sự thoáng đãng của chốn thanh tịnh. Hai bên là hai nhà thủy tạ nổi trên mặt hồ tròn tươi thắm sắc màu của những bông hoa súng. Chiếc cầu đỏ sẽ dẫn du khách vào nhà thủy tạ để chiêm ngưỡng bức tượng đặt trong đó. Ở nhà thủy tạ bên phải là tượng Phật Di Lặc bằng gỗ nâu còn nhà thủy tạ bên phải là tượng thờ Phật Bà Quán Âm bằng đá trắng cao tới 2 m.


Tĩnh tọa nơi tòa sen uy nghi giữa chính điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng, cao 2 mét, nặng 3,5 tấn.

Hai bên lối vào chính điện là hàng tượng bằng đá hoa cương xếp song song, mỗi bên 9 tượng được điêu khắc thật khéo léo, tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Bên phải chính điện là tháp chuông có mái cong cao vút với chuông đồng nặng đến 1,5 tấn. Bên trái chính điện là tháp trống với giá gỗ đặt trống được chạm trổ công phu, tinh xảo, giàu tính nghệ thuật. Hai công trình này đều mô phỏng theo lối kiến trúc tháp chuông Chùa Keo của tỉnh Thái Bình. Kế bên tháp trống còn có biểu tượng Chùa Một Cột cho du khách ngắm nhìn.

Sau khi dạo một vòng bên ngoài, du khách vào bên trong chính điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện) để chiêm bái sẽ khá ấn tượng với vẻ uy nghiêm, thâm trầm ở đây. Sàn lót gạch tàu màu đỏ, khu chính điện lợp ngói tám mái theo phong cách nhà Trần, khung cột gỗ lim to nhẵn mịn phủ sơn bóng loáng. Tất cả 44 cột đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu.


Khu chính điện có 44 cột, đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu.

Tĩnh tọa nơi tòa sen uy nghi giữa chính điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng, cao khoảng 2 mét, nặng 3,5 tấn. Phía phải chính điện là bệ thờ: tượng Bồ Tát Văn Thù, Đức Chúa Ông. Phía trái là bệ thờ tượng: Bồ Tát Phổ Hiền, Đức Thánh Hiền. Tất cả đều làm bằng gỗ Du Sam 800 năm, chạm trổ tinh vi. Trên mỗi cột du khách còn được nhìn thấy những câu liễn đối chữ đen trên nền vàng.

Với tất cả những nét đặc sắc kể trên, thiền tiện Trúc Lâm Phương Nam được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo của đất Tây Đô. Không chỉ có vậy, thiền viện được xây dựng trên mảnh đất Cần Thơ vốn là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng mong muốn khôi phục và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Chính vì thế thiền viện Trúc Lâm Phương Nam còn mang giá trị văn hóa tâm linh vô cùng ý nghĩa.


Phía sau chính điện có khu trưng bày các tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp về Thiền Viện.

Đến thiền viện Trúc Lâm Phương Nam thưởng ngoạn khung cảnh và cầu an sẽ là chuyến hành hương đáng nhớ của bạn trong những ngày đầu năm mới. Bởi lẽ, các giá trị văn hóa, tâm linh thấm đẫm trong từng góc nhỏ của thiền viện chắc chắn sẽ mang lại cho du khách những cảm giác bình an trong tâm hồn để khởi đầu một năm an lạc.

Phía sau chính điện có khu trưng bày các tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp về thiền viện, du khách nên ghé tham quan để cùng chiêm ngưỡng. Ngoài ra, những bạn trẻ đến đây ngoài cầu an, tham quan phong cảnh còn tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên thiền viện.

Tác giả bài viết: Vĩnh Hy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP