Du lịch

Dấu chân người Việt trên con đường tơ lụa

Thầy giáo trẻ đã mất hai tháng để chinh phục hành trình từ Kuwait, Iran của “vùng đất lửa” Trung Đông đến những đất nước gần như biệt lập ở Trung Á như Turkmenistan, Uzbekistan.

Có lẽ không ít bạn đã bắt gặp ở đâu đó ký danh “Những Bước Chân” dưới những bài viết về du lịch. Đó là thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo của Đại học Công nghiệp TP HCM, sinh năm 1976. Hiện nay, anh là giảng viên khoa Thương mại Du lịch và thường tranh thủ dành thời gian được nghỉ để đi du lịch. Bước chân của anh đã đi qua rất nhiều nơi trên thế giới mà không phải ai cũng có thể tới để cảm nhận và trải nghiệm.

Chìa cho tôi xem cuốn hộ chiếu chằng chịt các con dấu xuất, nhập cảnh của 65 quốc gia thuộc 5 châu lục, tôi thật sự khâm phục. Trong đó, có một hành trình rất ấn tượng đó là bước chân độc hành của anh đã in chân xuống một số chặng đường của “Con đường tơ lụa” ở Trung Đông và Trung Á.

Đó là hệ thống chằng chịt những con đường mòn cổ như một tấm mạng nhện khổng lồ từ phương Đông sang phương Tây, nối kết những thành phố sầm uất trong khu vực. Trước đây, thương nhân người Hoa sử dụng con đường này để vận chuyển và trao đổi các loại hàng hóa ra nước ngoài, những nơi có nhu cầu rất lớn về sản phẩm tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc. Hệ thống con đường có lúc trải dài đến tận châu Âu hay ngược về phương Đông đến Nhật Bản và Triều Tiên. Hệ thống con đường nghìn năm tuổi băng qua nhiều sa mạc rộng lớn, những dãy núi cao hiểm trở, làng mạc heo hút để đến vùng đất xa xôi mà vào thời đó một số vùng trên thế giới còn chưa được biết đến.

Sau hai tháng, anh đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình từ Kuwait, Iran của “vùng đất lửa” Trung Đông đến những đất nước gần như biệt lập ở Trung Á như Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan.

Iran

Nhìn vào con dấu thị thực của đất nước Iran, chắc chắn ai cũng phải thốt lên liệu đến đó có nguy hiểm không? Bởi ai cũng biết, Iran được ví như trung tâm của lò thuốc súng ở Trung Đông, chiến tranh xảy ra liên miên. Một quốc gia Hồi giáo với những luật lệ khắc nghiệt, nằm trong khu vực bất ổn nhất trên thế giới khi có đường biên giới giáp với Iraq, Afghanistan và Syria, luôn có sự hiềm khích với phương Tây trong chương trình vũ khí hạt nhân.

Qua trao đổi anh cho rằng: “Iran an toàn hơn tôi tưởng!”. Mỗi khi nhắc đến Iran, đại đa số du khách đều luôn e ngại đến sự an toàn, mặc dù Iran chào đón khách du lịch trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên đến nay chưa có các công ty lữ hành tại Việt Nam mạnh dạn khai thác các sản phẩm du lịch đến Iran. Cũng dễ hiểu bởi vì du khách luôn đề cao tính an toàn khi đi du lịch. Khám phá qua nhiều quốc gia ở năm châu lục khác nhau nhưng sau khi trở về an toàn từ hành trình Con đường tơ lụa thì anh cho rằng mình cần phải có trách nhiệm giải oan cho sự “tai tiếng” ấy. Bởi chính người Iran đã cho anh có một cảm nhận khác về cuộc sống, về văn hóa, về tôn giáo và về tình người ở những nơi đã đi qua trên đất nước này.


Những người bạn Iran thân thiện, đã cho Nguyễn Hoàng Bảo những trải nghiệm thú vị khi anh dừng chân nơi đây.
Turkmenistan

Thoạt nghe cái tên “cổng địa ngục” ở Turkmenistan ai cũng sợ, nhưng thật ra đó là một vùng đất rộng lớn bị sụt lún nghiêm trọng tạo thành hố sâu của cuộc thăm dò tìm kiếm giếng khí đốt tự nhiên từ những năm 1971. Một lượng khí thất thoát ra ngoài, các nhà khoa học bàn bạc và đưa ra quyết định châm lửa đốt, họ nghĩ rằng chỉ một thời gian ngắn lượng khí sẽ hết và ngọn lửa cũng tắt. Tuy nhiên, theo những người dân địa phương kể, đã hơn 40 năm qua, hố lửa vẫn cháy ngày đêm tạo thành một cảnh tượng rất ngoạn mục làm nhiều du khách liên tưởng đến một ngọn núi lửa khổng lồ hoặc Hỏa Diệm Sơn có thể đốt mọi thứ xung quanh.

Uzbekistan

Điểm dừng chân quan trọng trên con đường tơ lụa là vùng đất Uzbekistan ngày nay có lịch sử từ 2.500 TCN với nhiều di tích chứng minh sự xuất hiện của con người từ rất xa xưa định cư trên vùng đất này. Có nhiều công trình kiến trúc bề thế lần lượt ra đời nói lên sự phồn vinh của đế chế Timur. Vùng đất này có nhiều thành phố buôn bán sầm uất từ thời Con đường tơ lụa vào khu vực Trung Á và vẫn được bảo tồn cho đến ngày hôm nay. Ở một số thành phố lớn hiện nay như thủ đô Tashkent, thành phố Samarkand vẫn còn các kiến trúc từ thời kỳ Xô Viết. Quốc gia Uzbekistan được xem là cái nôi văn hóa của vùng Trung Á và là địa điểm chuyển tiếp từ vùng sa mạc Karakum cằn cỗi đến vùng núi cao Thiên Sơn.

Anh đã đến tham quan 4 thành phố cổ đều là những chứng tích quan trong trên Con đường tơ lụa năm xưa là những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận: Bukhara, Samakand, Itchan Kala và Shakhrisyabz.


Được tham dự đám cưới ở Tashkent – trong ảnh là các vị trưởng lão họ nhà gái.

Kyrgyzstan

Người ta thường ví đất nước Kyrgyzstan là Thụy Sỹ của châu Á quả không sai. Kyrgyzstan sở hữu những đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu thuộc dãy Thiên Sơn hùng vĩ đã tạo ra cho đất nước những hồ nước trong xanh như ngọc nằm trên độ cao cả vài nghìn mét so với mặt nước biển.

Chính phủ áp dụng chính sách miễn visa cho hầu hết nước trên thế giới và áp dụng mô hình du lịch cộng đồng nhằm phát triển du lịch một cách bền vững. Du khách thường đến Kyrgyzstan để tìm hiểu đời sống của người du mục bản địa, tham gia các lễ hội địa phương, đi bộ đường dài, cưỡi ngựa hoặc các hoạt động du lịch mạo hiểm khác.

Manas là lễ hội truyền thống của người dân Kyrgyzs được tổ chức hằng năm vào mùa hè, khi thời tiết ở độ cao 3.000 mét không quá lạnh. Lễ hội cũng là dịp tụ tập người dân Kyrgyzstan từ các vùng lân cận khác đưa gia đình đi dã ngoại vào dịp hè. Họ có thể đến từ Naryn, Osh, thậm chí từ Bishkek hay tận Talas xa xôi. Ngày đầu tiên sẽ diễn ra phần lễ với các quan chức địa phương, các già làng trưởng bản tôn vinh nét văn hóa du mục lâu đời của người Kyrgyz thể hiện qua sử thi Manas.

Người du mục Kyrgyz không có chữ viết nên họ rất giỏi trong việc truyền miệng những thông tin để thể hiện bản sắc văn hóa qua các bài thơ, các bài hát sử thi Manas độc đáo. Ngày thứ hai của lễ hội là những tiết mục thi đấu trên lưng ngựa giữa các thanh niên ở những ngôi làng quanh hồ Song Kul. Người du mục Kyrgyz có cuộc sống gắn liền trên lưng ngựa từ khi còn bé. Các môn thi đấu, tranh tài cũng hết sức sôi nổi thu hút rất nhiều người chờ đợi không kém môn bóng đá được nhiều người trên thế giới hâm mộ. Họ sẽ thể hiện sức mạnh để tồn tại và chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt bằng những môn thể thao thể hiện bản năng sinh tồn như: đấu vật trên lưng ngựa, đua ngựa, săn thú bằng đại bàng và đặc biệt là trò chơi đồng đội Buzkashi sôi động.

Tajikistan

Đất nước Tajikistan và một phần Đông Nam của Kyrgyzstan thường được xem là nóc nhà thế giới bởi những đỉnh núi cao trung bình trên 4.000 mét. Phần trung tâm ở Tajikistan và dãy Pamir được bao phủ những những ngọn núi tuyết vĩnh cửu. Đây cũng là đoạn đường hiểm trở mà đoàn thương nhân phương Đông phải vượt qua để đến với những thị thành phồn vinh. Hành trình xưa kia gặp rất nhiều trở ngại về thiên tai, thời tiết cả sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, đoàn thương nhân vẫn cố hết sức đến những vùng đất hứa, nơi họ có thể bán những phẩm vật với giá cao hơn rất nhiều.

Ngày nay, khu vực này cũng rất ít người dân sinh sống trừ những người bản địa với lối sống bám rừng bám núi trải qua hàng nghìn năm không thay đổi. Người dân đa phần chỉ định cư tập trung ở những khu vực thấp như thủ đô, các khu thị tứ lớn, những nơi khí hậu thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi và sinh sống của con người.


Lạc bước ở Tajikistan trước một cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Điều đặc biệt hơn, anh đã tổ chức một buổi nói chuyện với các bạn đam mê du lịch bụi để chia sẻ có những câu chuyện trải nghiệm về cuộc sống con người, về vùng đất qua nhiều đổi thay từ những thăng trầm của lịch sử và trên hết là những thử thách của bản thân trong suốt hành trình khám phá đơn độc của mình. Những hình ảnh, video chân thực về trải nghiệm của anh được trình chiếu cho mọi người xem, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi về vẻ đẹp của con đường tơ lụa và những trải nghiệm thú vị đó.

Tác giả bài viết: Nguyễn Sỹ Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP