Du lịch

Đằng sau bức tranh thêu tay ở sảnh đón nguyên thủ dự APEC

Bức tranh thêu tay tại sảnh đón nguyên thủ dự APEC là sản phẩm của một nghề truyền thống ở Huế sau hơn một tháng thực hiện.

Phải đến những ngày cuối tháng 10, phòng Quốc Khách của nhà ga VIP thuộc Sân bay quốc tế Đà Nẵng mới hoàn thiện khâu cuối cùng, sẵn sàng cho việc đón tiếp hàng loạt nguyên thủ từ các nước đến dự Tuần lễ cấp cao APEC.

Nằm giữa căn phòng tông vàng – trắng là một bức tranh thêu tay mang tên “Quê hương thanh bình” dài 4 m và cao 2,5 m. Bức tranh mang đầy đủ hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam như cây đa, dòng sông, bến nước, con đò, những mái nhà lấp ló sau rặng tre, hàng dừa, mô tả một miền quê yên ả. Ngoài ra, bức tranh còn gợi hoài niệm về một Đà Nẵng xưa, sông Hàn với những ngôi nhà nhỏ ven sông.

Phụ trách xây dựng nhà ga VIP này là Tổng công ty Xây dựng Công trình hàng không (ACC). Trong thiết kế phòng Quốc Khách, ACC cần một bức tranh trang trí khổ lớn để tăng thêm phần trang trọng. Sau khi thảo luận nhiều phương án, ban lãnh đạo công ty quyết định sử dụng tranh thêu tay Huế để tạo điểm nhấn. Quyết định được chốt và đặt hàng thêu tranh chuyển ra Huế vào hồi đầu tháng 9.

Bức tranh thêu tay "Quê Hương Thanh Bình" tại phòng Quốc Khách, nhà ga VIP của Sân bay Đà Nẵng.

“Tác phẩm Quê hương thanh bình được chọn để thay lời muốn nói đến bạn bè quốc tế rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn, thanh bình. Dù Việt Nam trên đà hội nhập để phát triển cùng 5 châu nhưng vẫn luôn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, lấy cội nguồn làm gốc rễ”, ông Nguyễn Trí Đạt – Giám đốc Công Ty Tranh Thêu Tay Huế (Havina), đơn vị thêu bức tranh cho biết.

Ngay trong tháng 9, bức tranh được các nghệ nhân Huế lên ý tưởng nội dung, bố cục và thực hiện gấp rút. Tổng cộng có 30 nghệ nhân làm việc liên tục trong 40 ngày đêm để hoàn thành tác phẩm. Toàn bộ bức tranh đều được thêu bằng tay. Mỗi nghệ nhân chỉ với cây kim nhỏ đã chăm chút chọn chỉ để pha màu cho từng chi tiết. Đến hôm 26/10, bức tranh mới được hoàn thiện, đóng khung và bàn giao cho phòng Quốc Khách của sân bay.

Khẳng định có giá trị rất cao nhưng ông Đạt từ chối tiết lộ giá cụ thể vì đã có thỏa thuận với khách hàng. Tuy nhiên, ông cho biết, tác phẩm là vô giá về tinh thần của đội ngũ nghệ nhân, những người đang cố gắng giữ nghề.

Sau trăm năm vàng son nhờ phục vụ tầng lớp vua chúa, quý tộc và quan lại, ông Đạt cho hay nghề thêu truyền thống Huế hiện đối mặt với quá nhiều yếu tố bất lợi mà người yêu nghề hầu hết đang bất lực không có hướng đi.

“Những thợ thêu lớn tuổi, dày kinh nghiệm và tâm huyết thì nay mắt đã mờ không thể thêu nữa, hoặc cũng sắp nghỉ. Con cháu họ không ai học nghề vì tiền lương, tiền công thợ rất thấp, không đủ để lo cho cuộc sống. Đó là chưa kể đầu ra cho tranh thêu không có, vô cùng bấp bênh", ông Đạt trầm ngâm.

Bình quân lương ngày công nghệ nhân thêu ở Huế hiện khá thấp, chỉ vài chục nghìn đồng. Mỗi tháng, lương thợ thêu, ngay cả thợ giỏi lâu năm ở nhiều cơ sở chưa đến 5 triệu đồng. Tại nơi thực hiện bức “Quê hương thanh bình”, lương thợ thêu có phần khá hơn, trên mức 5 triệu đồng kèm bảo hiểm y tế và ăn trưa. Tuy nhiên, thu nhập này cũng không thể gọi là cao trong bối cảnh chi tiêu ngày một đắt đỏ.

Đà nẵng

“Nhiều thợ thêu đã bỏ nghề để đi làm công nhân hay tìm một công việc khác có thu nhập đều, cao hơn. Giờ càng ngày càng ít, thậm chí là không có người học nghề thêu truyền thống nữa”, chị Như Ý – một trong những người chứng kiến xuyên suốt 40 ngày thành hình của bức tranh nói.

Về đầu ra, ông Đạt cho biết người thưởng thức tranh thêu tay truyền thống ngày càng ít, một phần vì lối sống công nghiệp hối hả, khiến con người luôn trong trạng thái gấp gáp, vội vã. Bên cạnh đó, những nhà buôn thuần tuý khi mang tranh thêu tay truyền thống Huế đi bán thì đều nâng giá lên cao một cách vô lý. Nhiều người yêu tranh thêu tay truyền thống thực thụ vì thế lại không có cơ hội mua sản phẩm.

Bản thân cơ sở của ông Đạt cũng không thành công ở Huế. Khách du lịch không có nhu cầu mua tranh lớn, giá trị cao. Họ cũng không rõ cách phân biệt tranh thêu máy và thêu tay nên e dè. Ông phải vào tận TP HCM để mở showroom vì nơi đây thị trường lớn hơn, nhiều khách hàng có khả năng mua sắm hơn.

“Những sản phẩm tranh thêu tay truyền thống Huế nói riêng và những sản phẩm khác liên quan đến thêu tay truyền thống Huế nói chung có thể tự hào là đẹp nhất trên thế giới nhưng tại sao lại để mai một? Chẳng lẽ chúng ta không làm gì và phó mặc nó?”, ông kể về lý do mình và 50 nghệ nhân của cơ sở vẫn đang cần mẫn bám nghề.

Tác giả: Viễn Thông

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: APEC , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP