Lễ hội Hang Bua được tổ chức hàng năm vào ngày 20,21,22 tháng Giêng âm lịch
Hang Bua (Thẳm Bua) nằm trong dãy núi Phà Én, thuộc bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Đây là di tích lịch sử, danh thắng gắn có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành bản mường của đồng bào Thái ở vùng Chiềng Ngam nói riêng và Quỳ Châu nói chung. Dưới “bàn tay” đắp nặn của tự nhiên, Hang Bua có vô vàn thạch nhũ tạo hình bồ lúa, dàn cồng chiêng, giường công chúa, chậu nước, ruộng lớn, ruộng nhỏ, một số hình người – Dân gian tin rằng: Xa xưa, có một nàng công chúa và những người dân Phủ Quỳ vào hang trú ẩn, tránh trú cuộc giao tranh giữa thần núi - thần nước và đã hóa đá. Trong cuộc giao tranh đi vào truyền thuyết đó, thần núi đã chiến thắng và che chở cho muôn dân. Để tưởng nhớ công ơn của thần núi, hàng năm cứ vào mỗi độ xuân về, người dân quanh vùng lại tụ hội về đây lễ tế, cầu mong mưa thuận gió hòa.
Lễ đại tế tại đền thở Chiêng Ngam
Theo tích xưa, Hang Bua còn gắn liền với mối tình chung thuỷ giữa nàng Ni xinh đẹp, hát hay và chàng Ban hiền lành, chân thật. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào trong hang để tâm tình và cầu mong những điều tốt đẹp cho hạnh phúc lứa đôi...Không thể minh xác lễ hội Hang Bua ra đời từ bao giờ, chỉ biết vào năm 1937, Vua Bảo Đại đã từ cố đô Huế về nơi đây thăm thú, du xuân, dự lễ hội. Đã có một thời gian khá dài, hội Hang Bua không được tổ chức. Đến năm 1996, Lễ hội Hang Bua đã được khôi phục trở lại. Năm 1997, Hang Bua được Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là “Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia”. Từ đó trở đi, Lễ hội Hang Bua hàng năm được tổ chức với quy mô cấp vùng, gồm các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ. Và đến năm 2006, theo phân cấp quản lý nhà nước, Lễ hội Hang Bua được tổ chức với quy mô cấp huyện.
Các hoạt động VHVN - TDTT được tổ chức tại lễ hội Hang Bua
Ngày nay, lễ hội Hang Bua được tổ chức hàng năm, hướng tới mục tiêu phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung và đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng; nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền của nhân dân; tạo nên các hoạt động vui chơi để người dân tham gia, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Lễ hội được tổ chức theo phong tục của đồng bào Thái, luôn đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn tiết kiệm; huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp theo phương châm xã hội hóa. Đến với Hang Bua ngày lễ hội, hàng vạn du khách đã được thưởng ngoạn những cảnh đẹp thơ mộng và thực sự được sống cùng những thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa độc đáo của cư dân đã và đang sinh sống ở vùng đất này thông qua các hoạt động tâm linh, hoạt động văn hóa đặc sắc mang tính truyền thống, riêng biệt của đồng bào Thái như dân ca, dân nhạc, dân vũ, các môn thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực.v.v…
Để lễ hội Hang Bua ngày càng phát huy giá trị quý báu của mình, những năm gần đây, huyện Quỳ Châu không ngừng đầu tư, nâng cấp các hạng mục cả ở trong và phía ngoài khu vực tổ chức lễ hội, như: Cải tạo mặt bằng, xây nhà thờ, sân khấu, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, các công trình vệ sinh phụ trợ, trồng cây xanh tạo cảnh quan, bóng mát...
Đền thờ Chiêng Ngam tại bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến. (Đền được xây dựng thờ 3 vị Thành Hoàng Làng, đó là 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông đã có công khai bản, lập mường ở vùng Chiêng Ngam, Phủ Quỳ. Từ năm 1945, Đền Chiêng Ngam bị hư hỏng, chỉ còn ở dạng phế tích. Năm 2005, Đền Chiêng Ngam được phục dựng, xây dựng trên ngôi đền cũ. Qua hơn 10 năm sử dụng đền lại hư hỏng và xuống cấp. Được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nâng cấp, Đền được xây dựng mới theo quy hoạch và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 19/01/2017.
Lễ cắt băng khánh thành đền thờ Chiêng Ngam
Lễ hội Hang Bua năm 2017 do UBND huyện Quỳ Châu tổ chức. Thời gian lễ hội diễn ra từ ngày từ ngày 16 đến ngày 18/02/2017 (thứ 5,6 và thứ 7, tức ngày 20-21-22 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội có hai phần, là phần lễ tâm linh và phần hội. Phần lễ gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội gồm chương trình văn nghệ chào mừng, lễ khai mạc và các hoạt động hội diễn. Các hoạt động hội diễn bao gồm: Thi văn nghệ; trình diễn sinh hoạt Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái; thi văn hóa ẩm thực; thi cham rượu cần; thi nhảy sạp, khắc luống; thi quay tơ, thêu, dệt; trình diễn sản phẩm văn hóa - ẩm thực; cuốn hương trầm; trình diễn Nghi lễ Xăng Khan; thi người đẹp Hang Bua; thi viết chữ Thái; thi cắm trại đẹp; thi các môn thể thao bóng chuyền nam nữ, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, ném còn, tò mạc lẹ…Các hoạt động giàu bản sắc văn hóa đều được phô diễn tại lễ hội.
Đêm thi Người đẹp Hang Bua
Đến với lễ hội Hang Bua năm nay, du khách không chỉ được hoà mình vào không khí vui tươi, rộn ràng của người dân vùng cao, mà còn được tham quan các danh thắng của Quỳ Châu như: Thẳm Ồm, Thẳm Chàng, hang Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, Thác Đũa, di tích Đốc binh Lang Văn Thiết, leo núi Fá Xăng, tham quan Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu và đặc biệt là tham gia du lịch cộng đồng bản Thái cổ Hoa Tiến - xã Châu Tiến. Trong năm 2016, bản Hoa Tiến đã đón 31 đoàn tham quan trong đó có 46 lượt người nước ngoài du lịch cộng đồng, gồm các Quốc tịch: Mỹ, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Úc, Malaixia và Đài Loan...
Tổ chức tốt Lễ hội Hang Bua và xây dựng làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến cũng chính là một trong những nội dung “Chương trình phát triển văn hóa, thông tin, thể thao & du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống huyện Quỳ Châu, giai đoạn 2016-2020” mà Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu ban hành. Với mục tiêu tổng quát là : "tạo sự chuyển biến cơ bản trong nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch làm cho chương trình ngày càng được thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội của huyện Quỳ Châu, giai đoạn 2016-2020".
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Quỳ Châu đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; duy trì tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa Thái, mở các lớp phổ biến chữ, nhạc cụ dân tộc Thái; tổ chức Hội diễn văn nghệ các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái; tổ chức lễ hội hang Bua; xây dựng các sản phẩm du lịch mới thông qua chương trình“Biến di sản thành sản phẩm du lịch”...
Huyện Quỳ Châu quyết tâm tổ chức tốt lễ hội Hang Bua là chính là giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho đồng bào, tạo không khí vui tươi, phấn khởi từ những ngày đầu năm, để mọi người dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương./.
Tác giả bài viết: Lê Thanh Hà - PCT UBND huyện
Nguồn tin: