Công ty APPLE film Nhật Bản tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, chuyên sản xuất bao bì từ nguyên liệu nhựa tái chế, dễ phân hủy. |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả cơ bản của Đà Nẵng sau hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 22?
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết: Trước hết, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, mà Đà Nẵng nhiều đợt là tâm dịch, khiến đời sống và sản xuất ngưng trệ. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, thì kinh tế thế giới suy thoái, chiến tranh, giá cả tăng cao, thiên tai… tác động trực tiếp đến Đà Nẵng. Năm 2020, Đà Nẵng tăng trưởng GRDP âm 9,77%, kéo lùi quy mô kinh tế thành phố trở về thời điểm ba năm trước. Năm 2021, tăng trưởng cũng chỉ mức 0,4% so với năm 2020, vẫn âm so với năm 2019. Năm 2022, Đà Nẵng kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế đạt 14,05%, xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng.
Tiếp sức cho Đà Nẵng, trong hơn hai năm qua, Trung ương đã phê duyệt và công bố nhiều Nghị quyết, Nghị định, định hướng quan trọng cho Đà Nẵng, như Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị; Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cảng Liên Chiểu-phần cơ sở hạ tầng dùng chung; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Từ giữa năm 2021, Đà Nẵng chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị, với mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Hơn hai năm qua, Đà Nẵng đã khởi công và hoàn thành hàng loạt công trình trọng điểm, động lực, như: Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, công trình đường và cầu qua sông Cổ Cò, công viên Vườn tượng APEC, Khu Công viên phần mềm số 2, đường vành đai phía tây, đường vành đai 2, nhà máy nước Hòa Liên… Các công trình này chính là điểm tựa cho Đà Nẵng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới.
Đà Nẵng cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, là địa phương hai năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; ba năm liên tiếp (2020-2022) nhận Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam, cùng ba giải thưởng lớn: “Thành phố dịch vụ công thông minh”, “Thành phố hạ tầng số thông minh”, “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Ngoài ra, Đà Nẵng còn đạt nhiều giải thưởng chuyên đề ở các lĩnh vực giao thông, logistics thông minh; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng thành phố thông minh…
Năm 2022, “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương... Cùng với chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động triển khai từ năm 2000, đã trở thành cuộc vận động lớn, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc; nội dung phong phú, tác động toàn diện, lâu dài đến đời sống xã hội trên toàn địa bàn thành phố.
Năm 2022, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam; đứng thứ ba trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á-Giải thưởng du lịch châu Á 2022 và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022.
Phóng viên: Hội đồng nhân dân thành phố vừa thông qua dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Trung ương phê duyệt. Đồng chí có thể khái quát những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết này?
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết: Về quan điểm phát triển, dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, vị trí địa kinh tế, chiến lược quan trọng của thành phố, dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch của Đà Nẵng phải phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mười năm 2021-2030 của cả nước; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực.
Đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển theo chiều sâu kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục-đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, sinh thái, duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.
Mục tiêu chính là xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng của vùng duyên hải miền trung, có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực. Tập trung phát triển kinh tế theo ba trụ cột: Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị gia tăng; kinh tế tri thức với hai mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với hai mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,5-10%/năm, phấn đấu hơn 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 8.000 USD/năm. Đến năm 2050, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái; thông minh; bản sắc, bền vững; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Phóng viên: Để thực hiện các mục tiêu trong dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch thành phố, cũng như những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, Đà Nẵng có những giải pháp gì để thực hiện?
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết: Có thể khẳng định, bước vào năm 2023, Đà Nẵng bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới, chu kỳ tăng trưởng chiều sâu, tăng trưởng xanh. Đây cũng là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, trước hết Đà Nẵng huy động, sử dụng mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng cần huy động khoảng 800 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển. Trong đó, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư; vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến chiếm khoảng 60-65% tổng vốn đầu tư; thu hút vốn FDI chiếm khoảng 10-15% tổng vốn đầu tư.
Một trong những giải pháp hàng đầu là thu hút, đào tạo lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn; tiếp tục thực hiện các chính sách về dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; lao động thuộc diện di dời, giải tỏa mất đất sản xuất… Có các chính sách về tài chính như: đầu tư không hoàn lại, cho vay lãi suất ưu đãi... đối với các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, có hiệu quả và tạo nhiều việc làm.
Chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường không khí, nước, đất tại thành phố, lưu vực sông, biển, trong các đô thị, khu dân cư... Đầu tư mới hoặc chuyển đổi công nghệ của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang công nghệ xử lý chất thải có kết hợp với thu hồi năng lượng, ưu tiên áp dụng công nghệ có hiệu quả tối ưu nhất, khuyến khích, phát triển sử dụng năng lượng mới đem lại hiệu quả cao.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và có giải pháp nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp dân cư, khách đến du lịch và công tác tại thành phố, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về ý thức, thái độ và hành động của cộng đồng nhằm xây dựng môi trường sống xanh sạch đẹp, an ninh, an toàn, văn minh cho người dân và du khách, góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững.
Đà Nẵng tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.
Đà Nẵng tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong hệ sinh thái; xây dựng thành phố thông minh, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số; thực hiện quản lý quy hoạch đô thị thông minh dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị số hóa, các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo.
Để phát triển, Đà Nẵng không thể đi một mình, mà cần có sự liên kết, hợp tác vùng và quốc tế đối với các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như: du lịch, công nghệ thông tin, logistics... Thực hiện tốt các hoạt động liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung; phối hợp xây dựng chiến lược phát triển kinh tế với mục tiêu xác định các ưu tiên trọng điểm cho mỗi địa phương gắn với lợi thế cạnh tranh của toàn vùng về khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ logistics, liên kết phát triển du lịch...
Thông qua các tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối giữa Đà Nẵng, các địa phương trên tuyến tại Việt Nam với các tỉnh Nam Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar để hợp tác liên vùng, quốc tế. Cải tiến và tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nguồn đầu tư và viện trợ nước ngoài thông qua tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại nước ngoài, các đại sứ quán và cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam... để tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Một trong những giải pháp mang tính quyết định là tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo vừa có năng lực, trình độ, vừa có đạo đức, phẩm chất tốt, nhiệt tình, chuyên tâm với công việc. Kết hợp tốt giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người, phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái và củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Với sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ, trong nhân dân, đến nay Đà Nẵng đã vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế thế giới. Trong quý I năm 2023, kinh tế Đà Nẵng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung và xếp thứ hai trong khối năm thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động du lịch tiếp tục có sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong quý I năm 2023, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt 1,4 triệu lượt, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu dịch vụ du lịch hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 6,2 lần. Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại diễn ra sôi động, nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai... Đó là những tín hiệu tích cực, tạo đà cho Đà Nẵng tiếp tục vươn lên, hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội quốc phòng-an ninh... mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã đề ra.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Tác giả: THANH TÙNG
Nguồn tin: nhandan.vn