Ngày 7/6/2018, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Miên ký quyết định số 2315 về ban hành Đề án chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn. Với quyết định này, Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có một đề án cấp tỉnh/thành về chống thất thu thuế.
Đà Nẵng báo động tình trạng thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh lữ hành thông qua tour giá rẻ |
Báo động thất thu!
Theo một cán bộ thuộc Cục Thuế Đà Nẵng, trước đây chống thất thu được thực hiện riêng ở từng cơ quan, đơn vị. UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án này nhằm mục tiêu tạo sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị nhằm tăng cường tính hiệu quả.
Các lĩnh vực được xác định có tính rủi ro cao về thuế mà Đề án hướng đến bao gồm kinh doanh nhà hàng khách sạn, bất động sản, kinh doanh vận tải- dịch vụ lữ hành và hộ kinh doanh khoán thuế. Trong đó, lữ hành đang được chọn tập trung triển khai.
Trao đổi với Báo DĐDN, ông Kiều Thế Phong - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng cho biết, hoạt động du lịch ở Đà Nẵng được nhà nước đầu tư, có khởi sắc, được các địa phương và nước ngoài đánh giá cao nhưng kết quả khai nộp thuế chưa tương xứng. Mục tiêu kế hoạch chống thất thu là chọn một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn, phân tích hồ sơ khai thuế làm thí điểm, rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp hiệu quả hơn.
Theo bản kế hoạch này, 29 đơn vị lữ hành đã được chọn, phân cho các Phòng kiểm tra Thuế, các chi cục tiến hành biện pháp kiểm tra thí điểm.
Mới đây nhất, tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng với doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Công ty Kỳ nghỉ Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng đang thất thu rất nhiều thuế với các doanh nghiệp lữ hành, thông qua tour giá rẻ.
Năm 2017 doanh nghiệp ông đón 30.000 khách, doanh thu đã là 70 tỷ. Trong khi đó, một doanh nghiệp lớn nhất TP Đà Nẵng về lượng đón khách, quy mô gấp 10 lần doanh nghiệp ông nhưng doanh thu kê khai với cơ quan thuế chỉ khoảng 10-15 tỷ!
“Loay hoay” tìm giải pháp
Thực tế, cơ quan thuế đang chỉ nắm doanh thu trên cơ sở tự hoạch toán, kê khai của doanh nghiệp, quy định này đã và đang được một số doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế.
Là một doanh nghiệp tầm cỡ về du lịch không chỉ tại Đà Nẵng mà trên cả nước, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cũng cho biết gặp khó trong cạnh tranh với các công ty lữ hành không thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế, vì họ có thể giảm giá tour nhờ trốn thuế, không khai báo. Thực tế này liên quan chặt chẽ đến tour giá rẻ đang phát triển mạnh.
Còn ông Kiều Thế Phong cho rằng, tour giá rẻ, khi đưa khách vào Việt Nam có hai vấn đề đặt ra, một là bán giá hàng hóa-dịch vụ cao làm ảnh hưởng thương hiệu Việt Nam, hai là trường hợp giấu doanh thu, trốn thuế. Nên chúng tôi đang liên hệ các đầu mối, đặc biệt là ngân hàng và các đơn vị dịch vụ nhờ hỗ trợ xác minh, cung cấp thông tin về mối quan hệ với các đơn vị lữ hành. Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định được anh có đầu vào thì phải khai đầu ra, nếu có đầu vào mà không có đầu ra thì là hành vi trốn doanh thu, trốn thuế”.
Riêng trường hợp du khách mua hàng, thanh toán bằng các loại máy POS, thẻ, ví điện tử… chuyển thẳng tiền ra nước ngoài, ông Phong cho biết “cần sự hợp lực của tất cả các ngành, một mình ngành thuế không giải quyết được”.
Tác giả: Kiều Vũ
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp