Tin địa phương

Đà Nẵng: Hàng nghìn nhà ở xã hội sử dụng sai mục đích do đâu?

TP.Đà Nẵng có 9.670 căn hộ nhà ở xã hội thì khoảng 33% bị người sử dụng tự ý chuyển đổi tên, cho thuê lại. Vậy, lý do vì đâu và việc xử lý các tồn tại này như thế nào?

Con số "sốc" sử dụng sai mục đích nhà ở xã hội

Tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng khoá IX, ông Phan Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng cho biết, thành phố đã có hội đồng xét duyệt bố trí, cho thuê nhà ở xã hội nhưng việc quản lý còn thiếu chặt chẽ, nhiều trường hợp không đủ điều kiện vẫn được nhận nhà.

Hiện, thành phố có 3.230 trên 9.670, tức 33%, căn hộ bị sử dụng không đúng mục đích. Các căn hộ này chủ yếu được chuyển đổi tên, cho thuê lại, ở nhờ…

Ông Phan Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng.

Ông Long đề nghị thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, bổ sung điều kiện xét duyệt nhà ở xã hội, quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của sở Xây dựng thành phố về xét duyệt hồ sơ ban đầu.

"Thành phố cũng nên tính lại thời gian ưu đãi, thu hồi nhà ở đối với các trường hợp ưu đãi, diện thu hút sử dụng nhà không đúng mục đích...”, ông đề nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng thừa nhận, hiện tại địa phương có rất nhiều người không có chỗ ở, trong khi nhiều người vẫn có điều kiện thì chiếm dụng căn hộ nhà ở xã hội.

Ông Trung đề nghị thành phố rà soát, xử lý nghiêm những người sử dụng không đúng mục đích để đảm bảo công bằng. Đồng thời, chính quyền nên xem lại các tiêu chuẩn, tiêu chí xét duyệt nhà ở xã hội.

Lý do vì đâu?

Chiều 9/7, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Doãn Lâm, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý và khai thác nhà cho biết, việc chuyển đổi tên, sang nhượng, cho thuê, cho ở nhờ theo số liệu trên xảy ra từ thời gian năm 2007 đến 2016.

Gồm các trường hợp: có 2.716 hộ giải tỏa đã sang nhượng chuyển đổi tên cho người khác và có 512 trường hợp người dân ở nhà chồ ven sông, giải tỏa bố trí chung cư để chỉnh trang đô thị… diện này chỉ quản lý, không thu tiền thuê nhà.

Một khu nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

“Tình trạng xảy ra những vi phạm nêu trên, là do có một số quy định của nhà nước không rõ ràng và sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó có sự hiểu biết, nhầm lẫn của người dân còn hạn chế nên xảy ra tình tạng này”, ông Lâm khẳng định.

Việc tổ chức, quản lý bố trí các khu chung cư nhà ở xã hội trước đây do các công ty, ban Quản lý dự án bố trí giải tỏa di dời bàn giao đất, đã phê duyệt bố trí căn hộ chung cư cho các hộ giải tỏa không cụ thể rõ ràng là phê duyệt bố trí 1 căn hộ chung cư hoặc bố trí 1 căn hộ chung cư thay bố trí 1 lô đất phụ.

Từ đó, các hộ giải tỏa hiểu nhầm căn hộ chung cư được bố trí là thuộc quyền sở hữu của các hộ, các hộ có quyền định đoạt căn hộ này là sang nhượng, cho thuê, cho ở nhờ… thông qua Giấy ủy quyền thanh toán điện, nước và các loại phí dịch vụ liên quan có xác nhận của các Văn phòng công chứng tư và chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, UBND thành phố có chủ trương tại Công văn số 694/UBND-QLĐTh ngày 23/1/2013 là không thu tiền thuê nhà đối với các hộ giải tỏa, càng tạo ra tư tưởng nhầm lẫn là căn hộ thuộc sở hữu của họ.

Đồng thời, một số trường hợp hộ giải tỏa xin đăng ký tạm trú hoặc nhập khẩu người thân vào ở được công an cho phép giải quyết theo quy định của Luật cư trú.

Ông Lâm cho biết thêm, để xử lý những tồn tại bất cập trong việc quản lý ở xã hội nêu trên, nhằm đảm bảo công tác quản lý chung cư chặt chẽ, năm 2013, UBND thành phố đã có chủ trương đối với các trường hợp nhận sang nhượng từ các hộ giải tỏa thì cho phép chuyển đổi tên người ký hợp đồng thuê nhà nếu đối tượng đó thuộc diện đặc biệt bức xúc về chỗ ở.

Thực hiện chủ trương này, công ty Quản lý nhà chung cư đã thực hiện chuyển đổi tên 2.252 trường hợp đã sang nhượng từ các hộ giải tỏa.

Đến năm 2016, UBND thành phố có Công văn số 9466/UBND-QLĐTh ngày 18/11/2016 về việc liên quan đến công tác quản lý bố trí căn hộ chung cư.

Trong đó, tại khoản 1 có nêu rõ “chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ đối với các hộ giải tỏa”.

Sau khi có chủ trương nêu trên, thì còn 269 trường hợp đã sang nhượng từ các hộ giải tỏa không được chuyển đổi tên và 195 trường hợp cho thuê, cho ở nhờ.

“Từ năm 2016 đến nay, việc chuyển đổi tên không còn, công tác quản lý sử dụng chung cư đã dần đi vào nề nếp và ngày một tốt hơn”, ông Lâm khẳng định.

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP